Ngày 14/10, tại Hạ viện Hoa Kỳ, một nhóm các dân biểu quan tâm tới Việt Nam, do dân biểu Loretta Sanchez và Zoe Lofgren chủ trì, đã tiến hành một buổi thuyết trình về tình hình tự do Internet ở Việt Nam với sự tham gia của các diễn giả đại diện cho các tổ chức thúc đẩy dân chủ, nhân quyền quốc tế và hải ngoại. Phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam không có đại diện tham gia trình bày. Phóng viên Nguyễn Trung của ban Việt Ngữ, Đài VOA, đã có mặt ở buổi thuyết trình và có bài tường thuật sau.
Phát biểu mở đầu buổi thuyết trình, dân biểu Loretta Sanchez cho rằng Internet ‘đang ngày càng trở thành một phương tiện quan trọng cho các nhà hoạt động ở Việt Nam’. Bà Sanchez cũng đồng thời nhận định rằng ‘trong khi con số thường dân Việt Nam sử dụng blog và website cá nhân để bày tỏ chính kiến ngày càng tăng, Việt Nam đang tăng cường các biện pháp kiểm soát Internet’.
Lý giải với VOA Việt Ngữ về lý do dẫn tới tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Ban Chấp hành Nghị hội Toàn quốc người Việt ở Hoa Kỳ, cho rằng 'tốc độ lan tỏa thông tin nhanh và rộng của Internet đã gây ra quan ngại cho chính phủ Việt Nam'.
Ông Bích nói: ‘Internet là phương tiện rất lớn để cho người dân nói lên ý kiến của họ trong khi đó chính quyền ở Việt Nam rất sợ những tư tưởng tự do. Họ cho là nó sẽ tạo nên một phong trào mà có thể đi tới chỗ chống đối chính quyền. Hiện cũng có các blog được nhiều người theo dõi, do đó nó tạo nên dư luận, như chuyện chống đối Trung Quốc. Đó là chuyện nhà cầm quyền hoàn toàn không muốn, nên họ tìm cách ngăn chặn đủ điều’.
Bà Sophie Richardson, đại diện tổ chức thúc đẩy nhân quyền thế giới Human Rights Watch, cũng tán đồng quan điểm của ông Bích. Bà Richardson cho rằng Internet là ‘công cụ người dân có thể sử dụng để bày tỏ quan điểm, lập hội và phản đối nên Việt Nam không muốn điều đó xảy ra’.
Tháng trước, Việt Nam đã bắt giữ ba blogger, trong đó có phóng viên Phạm Đoan Trang của báo điện tử VietNamNet, những người từng đề cập tới vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ba người viết blog này sau đó đã được thả. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, nói rằng những blogger đó ‘có dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia’. Bà Nga cũng cho rằng vụ bắt giữ đã bị ‘thổi phồng’ và ‘xuyên tạc với dụng ý xấu’.
Việt Nam từng nhiều lần khẳng định ‘không bỏ tù những người bất đồng chính kiến, mà chỉ bắt giam những ai vi phạm pháp luật’.
Nhận xét về điều này, bà Richarson của tổ chức Human Rights Watch, cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi nếu thực sự muốn trở thành một thành viên được tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Bà nói: ‘Thật lạ là có các điều luật hình sự hóa tự do ngôn luận và gọi đó là ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’. Nhiều điều luật của Việt Nam rộng và mơ hồ nên chính quyền dựa vào đó để viện dẫn cho các hành động bắt người. Các luật lệ đó cần phải được thu hẹp và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Con đường tiến tới chuyện giải quyết được vấn đề giao tế toàn cầu đối với Việt Nam vẫn còn dài’.
Theo số liệu chính thức của Trung tâm Internet Việt Nam, hiện có khoảng hơn 20 triệu người sử dụng mạng toàn cầu ở nước này, và nhiều người trong số đó dùng blog làm phương tiện trao đổi thông tin cũng như bày tỏ quan điểm về mọi mặt đời sống.
Cuối năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã thành lập một cơ quan chuyên trách có nhiệm vụ ‘quản lý nội dung các loại hình thông tin trên Internet’.
Tại buổi thuyết trình, dân biểu Sanchez cho biết thêm rằng bà cùng với một số dân biểu khác trong nhóm Congressional Vietnam Caucus ‘đã gửi thư tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet và cũng đã gặp đại diện của công ty Yahoo để hoan nghênh họ đã tham gia Sáng kiến Mạng lưới Toàn cầu (viết tắt là GNI) cũng như thúc giục các công ty này tiếp tục ủng hộ tự do ngôn luận trên Internet ở Việt Nam’.
GNI được lập nên để ngăn chặn sự đàn áp của các chính phủ đối với tự do ngôn luận trên mạng. Nhóm này, với sự tham gia của các công ty Internet, các nhà đầu tư và các tổ chức nhân quyền, thảo luận và định ra các luật lệ chỉ dẫn các công ty Internet và viễn thông bảo vệ tự do ngôn luận và cá nhân trên mạng. Yahoo, Google và Microsoft cũng tham gia sáng kiến này.
Trong khi đó, bà Richardson cho VOA Việt Ngữ biết rằng một số công ty cung cấp dịch vụ trên mạng đã ‘chuyển server ra ngoài Việt Nam để có thể từ chối đòi hỏi về kiểm soát thông tin của chính quyền như từng thấy ở một số nước khác’.
Cho dù nêu lên một số các thách thức mà người sử dụng Internet ở Việt Nam gặp phải, ông Nguyễn Ngọc Bích nói rằng ông ‘vẫn lạc quan’.
Ông Bích nói: ‘Tôi cho rằng ngăn chặn hoàn toàn Internet rất khó. Chính quyền tăng cường những biện pháp ngăn chặn, và những biện pháp trừng phạt này kia. Nhưng mà bỏ người ta vào tù cũng không thể ngăn chặn được phong trào Internet ngày càng lên và nó tạo ra nguồn dư luận đa chiều ở trong nước, và điều đó rất tốt cho tương lai của nền dân chủ Việt Nam, mặc dù chính quyền đương nhiên không muốn điều đó’.
Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo thế giới (CPJ), năm ngoái, lần đầu tiên con số các nhà báo điện tử bị bỏ tù trên thế giới nhiều hơn so với các ký giả thuộc loại hình báo in. CPJ cho rằng thực tế đó ‘phản ánh sự gia tăng ảnh hưởng của loại hình báo chí điện tử cũng như thông tin trên Internet’.
Giám đốc điều hành CPJ, ông Joel Simon, từng phát biểu rằng ‘quyền lực và ảnh hưởng của loại hình báo chí điện tử thế hệ mới đã khiến các chính phủ áp chế trên thế giới quan tâm và họ đã tăng cường phản công trước làn sóng này’.