Trên những đường phố chen chúc người qua lại của thành phố Hồ Chí Minh, hai người bạn Mỹ vẫn tìm cách giúp các trẻ em không nhà và tìm kiếm một lý tưởng cho đời sống của họ. Hai người bạn có tên là Iris và Noah là những nhân vật hư cấu trong cuốn tiểu thuyết mới của John Shors, nhan đề Dragon House. Tuy nhiên theo thông tín viên Faiza Elmasry thì vấn nạn trẻ vô gia cư là có thực, và qua cuốn tiểu thuyết này, tác giả Shors đã tạo cho người đọc một cơ hội để giúp giải quyết vấn đề.
John Shors sinh trưởng tại Des Moines, bang Iowa, khuất xa hẳn mọi ảnh hưởng của Á châu. Nhưng sau khi tốt ngiệp đại học, ông đã sống một số năm tại nước Nhật, dạy Anh ngữ, để dành tiền đi chu du Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Ông cho biết kể từ đó ông sinh ra quyến luyến vùng đất Á châu.
Ông nói: "Tôi trở thành một ông Tây ba lô đi khắp khu vực này trong khoảng thời gian chừng một năm và thăm viếng những thành phố lớn của châu Á như Bangkok, Sài Gòn, Kathmandu, Delhi v.v. Tôi trải qua những kinh nghiệm tuyệt vời và tôi bị mê hoặc vì văn hóa, người dân, lịch sử, các món ăn và khí hậu của khu vực này. Tôi yêu thích tất cả những gì có ở phần đất đó của thế giới. Đời sống nơi này thật là sinh động, thật là rộn rã."
Chính trong những chuyến đi như thế mà ông để ý thấy sự hiện diện hầu như không bao giờ ngưng của những trẻ em đường phố.
Ông Shors nói: "Trong hầu hết mọi trường hợp, các trẻ em này ra đời trong những gia đình cực kỳ nghèo khó và cha mẹ các em thực sự không cách gì có thể nuôi nổi các em. Có khi thì các em ra đời trong một gia đình tan nát vì cha mẹ nghiện ngập hay vì cha mẹ đã bị sát hại. Ở đó không có một hệ thống an sinh nào để hỗ trợ cho các trẻ này. Vì thế chừng năm sáu tuổi đến 10 tuổi là các em đã phải lang thang ngoài đường phố tìm cách tự kiếm sống nuôi thân."
Nhà văn Shors đã dành thời giờ chuyện trò với các trẻ vô gia cư ở Á châu và cho biết ông rất cảm phục các trẻ em đó.
Ông nói: "Những trẻ em không nhà này suốt ngày đêm bất kể giờ giấc,bận rộn chạy quanh bán những thứ như quạt, bưu thiếp, hoa cho du khách. Điều làm tôi cảm phục các trẻ này là các em có một đầu óc buôn bán rất nhạy bén không thể tưởng tượng được. Các em không ngồi yên ở một góc phố chìa hàng ra mời khách mà chạy tới chạy lui chào hàng. Nếu như trời mưa các em bán dù. Nếu trời nóng các em bán nước giải khát như Coca Cola. Sức chịu đựng bền bỉ, trí thông minh, dí dỏm và thái độ chan hòa hy vọng của các em thật là đáng kinh ngạc. Trong thời gian tại Thái Lan mỗi tối tôi chơi trò nối bốn đĩa màu lại với nhau với một bé trai chừng 7 hay 8 tuổi. Em này mang bàn cờ đó mời các du khách chơi, lấy mỗi người một đô la. Em kiếm sống bằng cách đó. Tôi rất phục bé trai này, em rất thông minh."
Bé trai đó đã gợi hứng cho tác giả dựng một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mới nhan đề Dragon House. Hầu hết tình tiết của tiểu thuyết diễn ra trong bối cảnh Việt Nam.
Ông Shors nói: "Tôi thật may mắn đã đến Việt Nam đến 3 lần. Chắc chắn là di sản chiến tranh vẫn còn hiện diện ở đó. Vẫn còn hàng ngàn bom mìn chưa nổ trong rừng khi mà những trẻ em lỡ dẫm lên thì sẽ nổ tung. Vì vậy người ta thấy nhiều trẻ, nhiều nông gia cụt chân, cụt tay. Tuy vậy, tôi nhận xét thấy rằng người dân Việt Nam đã thực sự tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến trước đây. Đây là một quốc gia đầy năng lực, hy vọng và lạc quan. Là một người Mỹ, tôi được người dân ở đây đón nhận với vòng tay rộng mở."
Câu chuyện mở đầu với Iris, nhân vật chính, chuẩn bị lên đường sang Việt Nam trong một sứ mạng riêng tư.
Tác giả cuốn Dragon House nói: "Cha cô là một cựu binh từng chiến đấu tại Việt Nam. Ông trở về Việt Nam để cố tìm cách mở một trung tâm lưu trú và dạy học cho những trẻ lang thang ngoài đường phố. Rồi ông ngã bệnh nặng và ngay vào lúc mở đầu câu chuyện thì ông đang hấp hối. Iris hứa với cha là cô sẽ đi Việt Nam để hoàn tất giấc mơ của ông để mở trung tâm này. Ngay khi cô sắp sửa lên đường thì gặp lại người bạn thời thơ ấu tên Noah, trở về từ chiến trường Iraq 5 tháng trước đó, và bị cụt mất một phần chân. Anh rất buồn phiền, uất ức, giận dữ và khổ sở. Anh quyết định theo cô bạn đến Việt Nam, không hề nghĩ rằng chuyến đi này sẽ giúp gì cho anh, nhưng anh đi vì chẳng có chuyện gì hay hơn để làm."
Những quen biết, giao du và thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi trẻ không nhà đem lại một cảm nghĩ tự hài lòng với chính mình và niềm hy vọng về đời sống của hai người này, nhất là cho Noah.
Ông Shors nói tiếp: "Ngay cả trường hợp của Noah mang những buồn phiền và uất ức đối với cuộc chiến tại Iraq, anh bắt đầu vượt qua được những cảm nghĩ đớn đau đó, vì anh nhận thức được rằng những trẻ thơ này còn phải chịu thống khổ nhiều hơn anh. Cuối cùng thì anh nhận lãnh thêm những hiểm nguy, liều lĩnh để tìm cách giúp cho những trẻ không nhà này."
Giống như những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, tác giả Shors quyết định thực sự giúp cho những trẻ em đường phố ở ngoài đời. Ông còn khuyến khích độc giả hãy đóng góp một tay nữa.
Ông nói: "Tôi sẽ đóng góp một tỉ lệ nào đấy trong tác quyền của tôi trong quyển sách này cho Hội Blue Dragon Children, một tổ chức giúp trẻ em tại Việt Nam. Tôi là đối tác với tổ chức này, và nếu như có bất cứ độc giả nào chú ý và muốn giúp đỡ, mời quí vị vào trang web của tôi: www.dragonhousebook.com và tìm hiểu về cơ quan từ thiện mà tôi đang tiếp tay. Thật là tuyệt vời! Cuốn tiểu thuyết của tôi chỉ mới ra đời có một thời gian ngắn, thế mà tôi đã gây được quĩ đủ để giúp cho 250 trẻ đường phố tại Việt Nam."
Dragon House là cuốn tiểu thuyết thứ ba của John Shors, lấy cảm hứng từ những chuyến du hành Á châu. Ông hy vọng độc giả sẽ thích thú khi đọc cuốn sách và đi đến kết luận rằng dù Đông hay Tây, ở đâu con người vẫn có nhiều điểm chung hơn là dị biệt.