Tại sao y tế Hoa Kỳ cần cải tổ? (Kỳ 2)

Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Bà nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn, 1971-75), và tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, bà trở lại trường học và tốt nghiệp ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế tại Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Từ 1991-93, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., từ cuối năm 1993 tới khi về hưu vào giữa năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Chuyện cô bé Brieanna


Brieanna, có mái tóc quăn mầu nâu với đôi mắt đẹp mầu xanh da trời, là con đầu lòng và "ánh sáng cuộc đời" của vợ chồng bác sĩ Weinstein. Khi mới được 13 tháng cô bé được chẩn bệnh: ung thư máu. Bác sĩ của cô bé nói với vợ chồng bác sĩ Weinstein, trước mặt 10 người khác cũng làm trong nhà thương, mà bác sĩ Weinstein cho là "rất xâm phạm" (very intrusive), là họ cần điều trị cô bé "ngay lập tức".

"Chương trình chữa trị bằng hóa chất (chemotherapy) rất mạnh," bằng một giọng bình tĩnh song như cố nén nỗi đau đớn, bác sĩ Weinstein nói với nhà làm phim tài liệu "Money-driven Medicine". "Cháu bị rụng hết tóc. Cháu bị đau ốm luôn. Miệng cháu bị lở vì việc chữa trị bằng hoá chất nhắm vào ống thực quản. người cháu bị ban đủ loại. Lượng máu trong người cháu xuống gần như số không, do đấy sự nguy hiểm bị nhiễm trùng rất cao. Chúng tôi không thể đem cháu đi đâu hết. Cháu cần phải được bao bọc che chở.

“Thoạt đầu nhà thương họ nói như thể việc chữa trị chỉ kéo dài một tuần. Thế nhưng nó kéo dài tới ba năm. Hai năm đầu cháu cầm cự được, rồi bệnh ung thư tái phát. Nhà thương họ lại nói, 'Chúng tôi cần điều trị cháu bằng hoá chất thêm lần nữa và lần này chúng tôi tính làm phóng xạ trong óc và xương sống. Như vậy mỗi ngày trong độ ba tuần.' Tôi bảo, 'Tôi không hiểu. Tôi muốn nói là quý vị mới nói với chúng tôi nếu chúng tôi theo đuổi chương trình điều trị này thì sẽ có những kết quả này. Chúng tôi đã làm theo như vậy và vẫn không có công hiệu. Và bây giờ quý vị lại bảo chúng tôi làm điều tệ hại hơn.' Nhà thương họ bảo chúng tôi như thế này, 'Thực ra ông bà không còn chọn lựa nào khác và nếu ông bà không làm theo lời chúng tôi thì chúng tôi sẽ kiện ông bà.' Tôi hỏi lại, 'Quý vị nói cái gì lạ vậy?' Họ bảo tôi, 'Nếu ông bà không làm theo lời chúng tôi, chúng tôi sẽ kiện ông bà'."

Hai vợ chồng bác sĩ Weinstein quả không còn chọn lựa nào khác ngoài việc đành phải theo đuổi các chương trình điều trị hoá chất khác nhau của nhà thương trong suốt cuộc đời 12 năm ngắn ngủi của bé Brieanna. Trước khi bé qua đời, một hôm bác sĩ Weinstein nói với em gái Shelsey của Brieanna, lúc ấy khoảng 8 tuổi, là chị của em sắp về Thiên Đàng.

"Cháu nắm lấy tay tôi và nói, 'Ba à, không sao đâu,' cháu Shelsey bảo tôi, 'Con vẫn nghĩ là trên Thiên Đàng có sự sống, còn đời sống này chỉ là một giấc mơ.' Tôi bảo cháu, 'Shelsey ơi, ba hy vọng là con nói đúng. Ba hy vọng rằng đây chỉ là một giấc mơ và rồi chúng ta sẽ tới một nơi nào có sự sống thực sự'," bác sĩ Weinstein nói sau giây lâu yên lặng như cố nén cơn xúc động trong khi máy quay phim tiếp tục thu hình, ghi lại từng nét rung rung trên khuôn mặt đôn hậu của người bác sĩ bất lực trước những đau đớn của chính cô con gái yêu của mình.

"Và tôi luôn mong như vậy... Đó là một phát biểu sâu sắc, cho bất cứ ai. Đối với tôi nó có một ý nghĩa lạ thường. Khi cháu Shelsey và tôi đi dạo hôm ấy, chị của cháu qua đời," ông nói, cố nuốt nước mắt.

Làm gì?

Đứng trước một tình trạng y tế như vậy, phải làm gì?

Khi ký giả Mahar, người đã nhiều năm tường thuật về kỹ nghệ y tế với tư cách một phóng viên chuyên về tài chánh, có ý định viết môt cuốn sách nghiên cứu hệ thống y tế Mỹ từ nhãn quan của các bác sĩ và bệnh nhân, bà ngạc nhiên khi nhận được hồi âm của năm trong sáu bác sĩ mà bà gọi điện thoại xin gặp. Họ thảy đều muốn nói lên những uẩn ức nghề nghiệp, những phí phạm không cần thiết nhưng lại tăng thêm lợi tức cho các nhà thương, hãng chế tạo thuốc, vv. Họ cùng đồng ý phải giành lại việc chăm sóc sức khoẻ cho giới bác sĩ và bệnh nhân, thay vì để nó nằm trong vòng kiểm soát của giới thương mại.

"Vào đầu thập niên 1990, bác sĩ Jim Weinstein đã làm một quyết định can đảm. Ông quyết định rời khỏi địa vị giáo sư và cái ghế chủ tịch tại trường Đại học Iowa để qua Dartmouth, nơi ông tham gia vào việc làm cách nào để giúp bệnh nhân cùng tham dự vào việc quyết định cách thức điều trị chính mình," bà Mahar nói. "Với tư cách một nhà giải phẫu, ông đã cảm thấy từ lâu là bệnh nhân không được tham dự đúng đắn vào cuộc điều trị chính mình. Họ đã không được thông báo về những nguy hiểm có thể có từ những cuộc điều trị đó. Thường là bệnh nhân bị thuyết phục chấp nhận [hoặc bị doạ, như trường hợp của chính bác sĩ Weinstein có cô con gái bị ung thư máu] hơn là tự nguyện."

"Con gái tôi đã khiến tôi thay đổi đời tôi," bác sĩ Weinstein nói, trầm tĩnh song thiết tha. "Và tôi bảo với tôi, 'Tôi không muốn người khác phải trải qua cái mà cháu đã phải trải qua.' Chúng ta có lòng thương người. Chúng ta có một số kiến thức. Chúng ta có kỹ thuật, song chúng ta để cho quá nhiều thứ cản trở đường đi tới những lý tưởng thực sự của chúng ta, những nguyên tắc của Hippocrate, chúng ta bị thất lạc trong cái hệ thống mà cháu Brieanna lẽ ra không phải đối diện và hàng nhiều triệu người khác lẽ ra cũng không phải đối diện."

Do đấy bác sĩ cũng như bệnh nhân cần được trang bị với kiến thức và hiểu biết để phát động một phong trào giành lại quyền quản lý việc săn sóc sức khoẻ khỏi tay giới thương mại. Bác sĩ Donald Berwick, thuộc Havard School of Public Health, tin rằng công cuộc cải tổ hệ thống y tế hiện đang có những chỉ dấu tương đồng với các phong trào xã hội trước đấy tại Hoa Kỳ, như phong trào đòi quyền công dân và bảo vệ môi sinh vào các thập niên 1950 và 1960.

"Có quá nhiều còn bò đã bị tế thần, và có rất nhiều người có bò chưa bị tế thần song nghĩ sớm muộn gì cũng tới phiên họ," bác sĩ Berwick nói. "Và điều này, bạn thừa biết đấy, một liên minh quần chúng gồm những người không sợ thay đổi và những người sợ một cách không cần thiết sự đổi thay ... đó là một liên minh đông đảo. Đó là tám mươi phần trăm dân Mỹ vậy."

Bước đầu tiên là xem cuốn phim tài liệu này để hiểu và nhận diện tầm vóc của vấn đề, rằng nền y tế của chúng ta đang bị thao túng như thế nào. Ấn bản thu ngắn của "Money-driven Medicine".

Hiện DVD của phim tài liệu này chỉ dành bán cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên nỗ lực cũng đang được xúc tiến để khán giả có thể thuê với giá $2.99 một ấn bản digital qua Amazon.com. Báo chí Việt ngữ tại Hoa Kỳ nên vô Web link này để in và dịch bản transcript của phim tài liệu cho độc giả không hiểu tiếng Anh đọc cho biết.

Độc giả có thì giờ có thể đọc sách của Maggie Mahar hiện có tại các thư viện công cộng; cũng như có thể yêu cầu thư viện gần nhà đặt mua DVD này và cho mình mượn xem. Và độc giả nào muốn tìm hiểu thêm có thể vào các Web links sau: về phim tài liệu, và về việc có thể làm gì.