Người Mỹ gốc châu Á có bằng MBA tìm việc tại nước ngoài

Một năm sau khi công ty Lehman Brothers sụp đổ, ngành tài chánh vẫn còn choáng váng vì cơn khủng hoảng tín dụng. Hàng trăm ngàn người làm việc trong ngành tài chánh bị mất việc và đối với những sinh viên tốt nghiệp những trường về doanh thương thì viễn ảnh về công ăn việc làm không được sáng sủa lắm. Một số người Mỹ gốc châu Á và những người châu Á học tại Mỹ đang xem xét cơ hội kiếm việc làm tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác. Thông Tín Viên Nathan King tường trình từ New York.

Một năm trước đây, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và hàng ngàn người làm việc trong ngành ngân hàng mất việc.

Một trong những người làm cho ngân hàng Lehman từ ngày 15 tháng 9 năm 2008 than thở, “Thật là buồn, tình hình không tốt tí nào”

Đây không phải là những người duy nhất rơi vào tình cảnh này. Thành phố New York cảnh báo là 46 ngàn công việc trong lãnh vực tài chánh sẽ không còn nữa và hàng trăm ngàn công việc khác nữa phụ thuộc vào Thị trường chứng khoán New York cũng sẽ tiêu tan vào năm 2010.

Những sinh viên trong ngành Quản trị Kinh doanh MBA cho biết là điều này làm họ lo lắng. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh một người có bằng MBA hầu như chắn chắn có việc làm về tài chánh.

Tại một hội chợ về việc làm mới đây cho những người Mỹ gốc châu Á và những người châu Á học tại Mỹ có bằng MBA nhiều người xếp hàng dài tại gian hàng của những công ty có nhiều khả năng tuyển người.

Anh Xiang Wang từ Bắc Kinh đến và sắp tốt nghiệp MBA trường đại học Clark, bang Massachusetts cho biết là anh đang lo không có việc làm đồng thời anh cũng lại cần visa để làm việc.

Anh Xiang Wang nói: “Tôi muốn có người bảo trợ để xin Visa loại H1-B nhưng không một công ty nào nhận bảng tóm tắt lý lịch và công việc làm của tôi. Thật là khó.”

Tuy nhiên việc thua thiệt của Wall Street có thể lại là thắng lợi của châu Á. Tại hội chợ việc làm này có một số quốc gia châu Á muốn thu nhận những sinh viên châu Á tốt nghiệp tại Mỹ làm việc cho họ.

Ông Joseph Nam thuộc công ty Thương mại Nam Triều Tiên. Công ty này đang thiết lập một trung tâm dữ liệu về các sinh viên tốt nghiệp để chuyển đến cho các công ty Nam Triều Tiên cần những tài năng tốt nghiệp tại Mỹ.

Ông Nam nói: “Ít việc tại Wall Street có nghĩa là nhiều người sẵn sàng ra nước ngoài làm việc. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn hoặc ít bổng lộc hơn.”

Anh Xiang Wang cho biết: “Lựa chọn đầu tiên của tôi là một việc làm tại Mỹ. Tuy nhiên nếu tôi không có thể tìm được việc làm ở đây thì tôi phải tìm việc làm ở nơi khác.”

Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác ở châu Á đang chứng kiến sự trở về nhiều hơn của những người có bằng cấp cao tại nước ngoài. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cho biết số sinh viên trở về tăng 55%.

Một cuộc thăm dò mới đây của trường đại học Duke cho thấy những sinh viên châu Á tốt nghiệp tại Mỹ tin là hiện mức cầu những kỹ năng của họ đang gia tăng tại quê nhà.

Mặc dù những sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ đang lo lắng về triển vọng kiếm việc làm của họ hiện nay, những tổ chức của những người chuyên nghiệp tin là những người Mỹ gốc châu Á và những người châu Á tốt nghiệp tại Mỹ có những chỗ đứng trong tương lai.

Ông Thomas Sim thuộc Hiệp hội Toàn quốc Người Mỹ gốc châu Á Chuyên nghiệp cho biết là kỹ năng về ngôn ngữ và sự tăng trưởng mạnh về kinh tế ở châu Á sẽ giúp họ nhiều về lâu về dài.

Ông Sim nói: “Viễn ảnh có thể tốt hơn mức trung bình. Họ có hiểu biết về văn hóa, họ được đào tạo chuyên môn và khi phối hợp những yếu tố này lại thì chẳng những họ có công ăn việc làm mà công ty mướn họ cũng được lợi .”

Đối với những sinh viên tốt nghiệp trong năm 2009, những điều này có thể không giúp họ gì nhiều nhưng khi nền kinh tế toàn cầu vực dậy trở lại và nhiều quốc gia châu Á tìm kiếm những tài năng châu Á thì những công ty tham dự hội chợ này có thể trở thành những công ty tuyển dụng lớn ở ngay trên nước Mỹ mà cũng có thể ở mãi tận bên kia Thái Bình Dương.