Vẫn còn tình trạng lạm dụng trẻ em dù có Công ước bảo vệ

Trước khi Công ước về Quyền Trẻ em có hiệu lực vào năm 1989, phần lớn thế giới cho rằng tiếng nói của trẻ em chưa được lắng nghe.

Công ước này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, và là hiệp ước nhân quyền quốc tế được mọi quốc gia trên thế giới thông qua, trừ Hoa Kỳ và Somalia.

Tới giờ, 20 năm sau, một số tiếng nói của các em đã được lắng nghe, nhưng quyền thì vẫn bị vi phạm.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Navi Pillay, đánh giá cao về Hiệp ước này.

Nhưng đồng thời, bà cũng thừa nhận về khoảng cách giữa chuyện thực thi quyền lợi và sự bảo vệ được nêu rõ trong tài liệu này.

Với việc thông qua Hiệp ước, bà Pillay nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế đã lần đầu tiên trong lịch sử nhất loạt công nhận rằng trẻ em không phải là vật sở hữu của bố mẹ hoặc người giám hộ, mà các em chính là người có quyền nắm giữ số phận của các em.

Bà Pillay nói rằng vẫn còn tình trạng vi phạm Hiệp ước nghiêm trọng như bạo lực, lạm dụng và bóc lột tình dục, buôn người và cưỡng bách lao động.

Điều nghiêm trọng hơn, theo bà, là những sự vi phạm đó ảnh hưởng tới các bé gái, trẻ em bị tàn tật, trẻ em từ sắc dân thiểu số hoặc bộ tộc, trẻ em đường phố, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em nhập cư và tị nạn.

Cao ủy này cũng nói rằng một số hình thức phân biệt đối xử và lạm dụng đối với trẻ em lan rộng và được biết tới kể từ khi Công ước được thông qua.

Phó Giám đốc Điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Saad Houry, đồng ý rằng thực tế không phải luôn luôn đúng với viễn kiến của Hiệp ước về một thế giới an toàn đối với mọi trẻ nhỏ. Ông nói rằng vẫn còn có hàng triệu em bị loại trừ khỏi giấc mơ đó.