Liên Minh Người Việt Chống Tệ Nạn Buôn Người gồm những người trẻ trong giới thanh niên, sinh viên tại California, được thành lập từ năm 2004. Liên Minh đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức thiên nguyện khác, đặc biệt là Phòng Hỗ Trợ Công Nhân và Các Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan để giúp đỡ nạn nhân nạn buôn người và báo động cho cộng đồng Việt Nam về tệ trạng này. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày sau đây của Hà Vũ.
Phim truyền hình của Đài NBC với tựa đề là “Children for sale” đã làm cho nhiều người xúc động. Vào tháng Giêng năm 2004, đoàn quay phim do nhà sản xuất Richard Greenberg và người quay phim Mitchell Wagenberg đã đến làng Sway Pak, ngoại ô Phnom Penh để làm phóng sự về nạn buôn bán tình dục trẻ em. Tại đây đòan đã chứng kiến cảnh những bé gái đến từ Việt Nam, có em khoảng 10 tuổi hay nhỏ hơn nữa đã bị cha mẹ hay những người thân trong gia đình bán cho động mãi dâm này để lấy vài trăm đô la. Nhiều em khác bị những người môi giới lừa là các em đến đây để làm các tiếp viên trong các nhà hàng, quán ăn.
Những cảnh tượng trong phim đã làm những người trẻ tại Nam California thấy cần phải làm một cái gì đó để giúp đỡ những nạn nhân của nạn buôn người. Ngoài ra trong chuyến đi thăm Văn phòng Hỗ trợ Công nhân và các Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, cô Tammy Trần Thị Thiện Tâm và một vài người bạn khác được Linh mục Nguyễn Văn Hùng hướng dẫn đi thăm các tổ chức phi chính phủ để biết thêm về vấn đề rao bán các cô dâu Việt Nam trên trang mạng Ebay. Việc này đã củng cố thêm quyết tâm của cô Tammy và các bạn trong việc thành lập Liên minh người Việt chống Tệ nạn buôn người hay còn gọi là VietACT.
Cô Tammy Trần Thị Thiện Tâm, chủ tịch hiện nay của Liên Minh kể lại:
“Năm 2004 lần lượt có những tin tức về buôn bán trẻ em tại Cambodia cũng như tại Đài Loan và đặc biệt có một cuốn phim của NBC về buôn bán trẻ em bên Cambodia. Những chuyện đó làm cho những người trẻ rất là bức xúc về tình trạng này. Những hội sinh viên tổ chức những buổi hội thảo để lên tiếng hoặc để phổ biến những tin tức đó. Sau đó cũng có một số người tìm cách làm sao để giúp được cho mấy em đó.
Các hội sinh viên thường có những sinh hoạt khác nhau. Có một nhóm người ngồi lại với nhau quyết định là mình phải có một tổ chức đặc biệt chuyên môn về vấn đề buôn bán con người và phổ biến những tin tức trong cộng đồng, không phải riêng về cộng đồng Việt Nam mà cộng đồng thế giới nữa và quyết định thành lập tổ chức VietACT để giúp cho công việc những tổ chức NGO đã làm để chấm dứt tệ nạn buôn bán con người, đặc biệt là phụ nữ trẻ em Việt Nam.”
Mục tiêu chính yếu của VietACT là giúp cho cộng đồng Việt Nam nhất là giới trẻ, những người may mắn có một cuộc sống tương đối đầy đủ trên đất Mỹ thấy được là tại Việt Nam cũng như các nước khác trong vùng Đông Nam Á còn có những người, nhất là các em gái vẫn còn phải chìm đắm trong nghèo đói và tủi nhục. Cô Tammy cho biết thêm về suy nghĩ của mình và các bạn khi thành lập VietACT.
“Đời sống của mình ở đây quá sung sướng. Dù mình khổ tới đâu, khó khăn về vấn đề kinh tế hàng ngày, đi làm, đi học cực khổ như thế nào cũng không bao giờ cực khổ bằng những người như vậy. Đời sống của họ trước khi đi vào con đường bị lợi dụng như vậy, họ đã nghèo rồi, họ không có đường nào lựa chọn hết cho nên họ dễ bị lường gạt, dễ bị thu hút vào những lời hứa hẹn không có thực.
Mình cảm thấy mình rất là may mắn. Em may mắn là Bố Mẹ đi vượt biên sang Mỹ. Nếu không cũng có thể bị rơi vào trường hợp đó. Em nói chuyện với mấy người bạn, mọi người đều đồng ý mình phải làm một cái gì đó nếu không ít thì nhiều nhưng ít nhất mình làm sao mình đóng góp một chút xíu để giúp những người như Cha Hùng hay Thùy Dương bên VOICE đang hy sinh làm những việc này.”
Để có thể hoạt động được và thiết thực giúp đỡ những nạn nhân của nạn buôn người, ngoài tiền tự nguyện đóng góp vào các sinh hoại của VietACT, Liên minh còn tổ chức những buổi gây quỹ để kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, những người hảo tâm trong cộng đồng Việt Nam. Cô Tammy Thiện Tâm giải thích thêm:
“Các em học sinh, sinh viên Việt Nam tổ chức gây quỹ trong hội, từ những bữa cơm gây quỹ hoặc là những đêm văn hóa. Trong những đêm văn hóa thường cũng có những màn kịch để diễn tả hoàn cảnh của những người sống trong tình trạng nô lệ. Những cách đó vừa gây quỹ, vừa làm sao để phổ biến, quảng bá những tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em để có thể chấm dứt tình trạng buôn bán hoặc là giúp các nạn nhân.”
Từ khi thành lập cho đến nay, hoat động thiết thực nhất của Liên Minh Người Việt Chống Tệ Nạn Buôn người là giúp xây dựng một trung tâm tạm trú cho những cô dâu hay những công nhân Việt Nam tại Đài Loan bị chồng hay chủ nhân ngược đãi.
Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, người quản trị Văn phòng Hỗ trợ Công nhân và các Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan có nhận xét về VietACT.
“Sau khi thành lập đến ngày hôm nay VietACT đã giúp chúng tôi rất nhiều. Họ đã gây quỹ giúp chúng tôi trong thời gian đầu. Nếu không có sự hỗ trợ của Viet ACT thì văn phòng của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong lãnh vực tài chánh để có thể có thêm phương tiện giúp đỡ cho các anh chị em công nhân Việt Nam bị buôn bán, bị bóc lột bên Đài Loan.”
Ngoài việc tổ chức các buổi hội thảo, những đêm văn nghệ để giúp cho cộng đồng Việt Nam và nhất là các bạn trẻ ý thức được tai họa của nạn buôn người để tìm cách ngăn ngừa và giúp đỡ những nạn nhân, VietACT còn xây dựng một chương trình internship, hay còn gọi là nội trú thực tập, để những bạn trẻ có tâm huyết qua Đài Loan tiếp xúc trực tiếp với những cô dâu hay công nhân Việt Nam bị chồng hay chủ ngược đãi để có một nhận thức rõ ràng hơn về tệ nạn buôn người cũng như để củng cố quyết tâm hành động chống nạn buôn người.
Cô Tammy Thiện Tâm cho biết về chương trình này:
“VietACT thành lập một chương trình internship thực tập để giúp cho những người trẻ quan tâm đến tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em muốn làm một cái gì đó để giúp cho những nạn nhân này về vấn đề tâm lý, luật pháp hay vấn đề sức khỏe, y tế. Hàng năm VietACT nhận được hàng trăm đơn và nhiều khi gởi từ 3 đến 4 người sang Đài Loan.Chúng tôi cũng gây quỹ từ cộng đồng, từ mạnh thường quân hay mấy người trong gia đình, bạn bè để đóng góp vào, để giúp trang trải chi phí cho những người đi thực tập qua Đài Loan làm việc để họ hiểu thêm không phải chỉ vấn đề buôn bán phụ nữ, mà hiểu thêm về con người bị ảnh hưởng.
Khi họ trở về, họ sẽ năng động tranh đấu cho những người đó. Chương trình rất là thành công. Trong số 12, 13 người gởi qua Đài Loan trở về thì đa số những người đó đang làm những việc giúp chống nạn buôn bán con người. Một cô đang chuẩn bị lấy bằng Tiến sĩ và sẽ viết luận văn về vấn đề buôn bán con người. Một người khác hiện nay đang làm với sở cảnh sát để giúp bảo vệ những nạn nhân.”
Linh mục Nguyễn Văn Hùng có nhận xét thêm về lợi ích của chương trình nội trú thực tập tại Đài Loan.
“Một trong những mục tiêu để các người thực tập đến đây là khi rời khỏi Đài Loan trở về Mỹ thì họ sẽ dùng những kiến thức cũng như kinh nghiệm và cảm nghiệm của mình khi gần gũi những nạn nhân là những nhân chứng sống, thực, để truyền đạt lại hay chia sẻ lại cho đồng bào của chúng ta tại Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào họ đến và như vậy nhiều đồng bào của chúng ta sẽ biết rõ hơn về tình hình của anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam của chúng ta bị rơi vào những trường hợp bị buôn bán, bị ngược đãi, bị đánh đập hay bị đối xử như những người nô lệ tình dục bên Đài Loan này.”
Liên Minh Người Việt Chống Tệ Nạn Buôn Người không hoạt động riêng rẽ. Ngoài việc hợp tác với Văn phòng Hỗ trợ Cô dâu và các công nhân Việt Nam tại Đài Loan, văn phòng cũng liên lạc, hợp tác với các tổ chức thiện nguyện khác trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ cũng như các tổ chức phi chính phủ khác để có thể giúp bài trừ và giúp đỡ nạn nhân của tệ nạn buôn người một cách hữu hiệu hơn.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.