Ngày Gia cư Thế giới

Đề tài của Ngày Gia cư Thế giới Liên hiệp quốc năm nay là ‘Hoạch Định Tương Lai Thành Thị của Chúng ta’. Năm nay, thế giới bước qua một ngưỡng cửa quan trọng: lần đầu tiên, phần lớn dân cư đều sống tại thành thị. Các chuyên gia cảnh báo rằng điều đó gây ra một cơn khủng hoảng cần được đối phó. Laurel Bowman phái viên của VOA tường trình như sau.

Bộ phim Slum Dog Millionaire, có bối cảnh là những xóm nghèo tại Mumbai, Ấn Độ, đã đoạt được 8 giải Oscar và thu được 360 triệu đôla trên toàn thế giới.

Nhưng sự thành công của phim này đã không bảo vệ được được thành phố chống lại sức ép của việc phát triển đô thị: mùa Xuân vừa qua, xe ủi đất của thành phố Mumbai đã phá nát chiếc lều của diễn viên Azharuddin Mohammed Ismail, trong khuôn khổ của chiến dịch phá hủy các nơi cư ngụ bất hợp pháp.

Tại Mumbai, hơn 1 triệu người gọi những xóm nghèo ngoại ô là nhà họ. Tại Ấn Độ, các chuyên gia ước tính trong 4 thập niên tới cứ mỗi phút có 31 người dân quê kéo đến các thành phố.

Tại buổi lễ khai mạc Ngày Gia cư Thế giới tại Washington, Tiến sĩ Anna Tibaijuka, Giám đốc chấp hành của UN-Habitat, cơ quan về gia cư của Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bành trướng đô thị.

Tiến sĩ Tibaijuka nhận định: “Trong số các nước đang phát triển, mức độ di dân nhanh chóng tới thành phố kết hợp với sự gia tăng dân số tự nhiên tại các thành thị đã đưa đến một tình huống là mức tăng trưởng dân số vượt quá khả năng cung ứng nhà ở, việc làm, nước sạch, vệ sinh, giáo dục và các dịch vụ y tế, sự chuyên chở hiệu quả và cơ sở nguồn lực thiên nhiên vững chắc.”

Tiến sĩ Tibaijuka là người Tanzania. Bà cho biết tại châu Phi, tình hình đô thị hóa quá nhanh kéo theo nạn ô nhiễm và đông đúc, chỉ đứng sau HIV/AIDS về hiểm họa chết người. Bà nói điều đó không phải chỉ đúng đối với các nước đang phát triển.

Ông Shaun Donovan, Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ cũng nhất trí với điều này. Ông nói 83% dân Mỹ sống tại các thành thị đảm trách 90% sản lượng kinh tế. Trong cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, chính những người dân thành thị đó đang bị tác hại.

Ông Donovan nói: “Nếu quan sát thật gần, bạn sẽ thấy rằng các vùng bị ảnh hưởng năng của cuộc khủng hoảng tại nước Mỹ, vì không trả nổi tiền nợ mua nhà cao nhất và bị mất việc nhiều nhất, lại thường là những vùng có tình trạng bấp bênh nhất, và khó tiếp cận hệ thống giao thông nhất, có trường học gặp nhiều rắc rối nhất và cơ hội kinh tế tệ nhất.”

Ngày Gia cư Thế giới Liên hiệp quốc chính là một diễn đàn nơi các chuyên gia cùng họp lại để chia sẻ những ý tưởng liên quan đến thiết kế đô thị trên khắp thế giới, nhất là năm nay, lần đầu tiên, hơn phân nửa dân cư đang sống tại thành thị.

Trong lúc đó, bên ngoài phòng họp, nhiều người đã biểu tình kêu gọi lãnh đạo Hoa Kỳ ngưng phá hủy những ngôi nhà thu nhập thấp, y hệt như chuyện xảy ra tại các xóm ổ chuột Mumbai.

Một trong những người biểu tình, bà Deborah Rothrock ngụ tại bang Pennsylvania, lên tiếng: “Một công ty lớn đến mua miếng đất có đặt những căn nhà di động của chúng tôi. Họ bảo chúng tôi phải dời nhà đi trước ngày 30 tháng 11, nếu không họ sẽ đền chúng tôi chỉ có 500 đôla cho chi phí giấy tờ chúng tôi đã bỏ ra để làm chủ nhà. Sự thực, muốn dời nhà sẽ phải tốn 7 ngàn đôla, và chúng tôi không có số tiền đó.”