WB: Phục hồi kinh tế vẫn còn rất mong manh

Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo rằng không có gì bảo đảm là nền kinh tế toàn cầu sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ nhiều thập niên.

Ông Robert Zoellick Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới nói rằng, mặc dù có một số chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu xoay chiều, nhiều nước có thu nhập thấp vẫn còn đang bị tác hại, do số cầu xuất khẩu bị giảm bớt và lượng tiền bạc của các công dân làm việc tại ngoại quốc gửi về nước cũng ít đi.

Giám Đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn đã thách thức vai trò mới của Nhóm G-20.

Các lãnh đạo của những nền kinh tế giàu có và đang phát triển mới tuần rồi đã chỉ định nhóm G-20 như là tổ chức chính có thẩm quyền quyết định về kinh tế.

Nhưng ông Strauss-Kahn cho rằng tính cách thành viên G-20 không được xác minh trên một cơ sở “khoa học”, và ông còn lập luận rằng nhóm này thiếu đại diện đầy đủ từ một số khu vực chẳng hạn như châu Phi.

Ông Strauss-Kahn kêu gọi các chính phủ trên thế giới gia tăng tài trợ cho IMF để họ có khả năng kiềm chế những cơn khủng hoảng trong tương lai.

Theo người đứng đầu IMF, số tiền 500 tỉ mà G-20 hứa hỗ trợ cho IMF chỉ là tạm thời, và nếu không có sự gia tăng thường xuyên các ngân khoản, các nước có thể do dự không dám tìm tới IMF để xin hậu thuẫn.

Ông cảnh báo rằng việc này có thể đem lại hậu quả là các chính phủ sẽ áp dụng những hành động khẩn cấp có nguy cơ gây mất ổn định kinh tế.

Ngoài ra, giám đốc IMF nói là họ đang tìm cách buộc ngành tài chánh phải trả giá để giúp thế giới tránh một cơn khủng hoảng khác.

Được biết IMF đang thực hiện việc nghiên cứu theo yêu cầu của các lãnh đạo nhóm G-20.