Thành phố Chicago càng háo hức mong chờ kết quả cuộc đua gay cấn tranh quyền đăng cai Olympic 2016 khi Tổng thống Obama vào những phút cuối đã loan báo sẽ có mặt tại Copenhagen để cùng với đoàn đại diện Chicago 'bức phá ở chặng nước rút cuối cùng' trước giờ IOC biểu quyết. Phóng viên Tấn Chương của đài VOA tường trình rằng diễn biến này khiến nhiều người Mỹ nhớ lại hoạt động tranh cử ráo riết của ông Obama trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc hồi năm ngoái, và họ đang liên tưởng đến một thắng lợi tương tự cho thành phố Chicago.
Hôm thứ Hai, khi Chicago chuẩn bị tiễn đoàn đại diện của họ lên đường sang thủ đô Đan Mạch để tranh quyền đăng cai Olympic 2016, Tòa Bạch Ốc loan báo một tin mà nhiều người Mỹ mong chờ, đó là Tổng thống Barack Obama sẽ đến Copenhagen để cùng đoàn Mỹ tranh 'chung quyết' vào thứ Sáu này.
Khoảng hơn 100 ủy viên có quyền biểu quyết của Ủy ban Olympic Quốc tế, tức IOC, thứ Sáu này sẽ bỏ phiếu kín chọn ra một trong số bốn ứng viên: Madrid, Tokyo, Rio de Janeiro, và Chicago để trao cho vinh dự đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2016.
Cho dù dư luận đã đoán trước tình huống này, tin Tổng thống Obama đến Copenhagen để chứng tỏ quyết tâm giành Olympic về cho thành phố quê vợ của ông đã làm thay đổi chỉ số của những bảng dự đoán. Theo chỉ số BidIndex, Chicago tăng 1,23 điểm lên thành 61,24 điểm. Rio bị giảm 0,19 điểm, còn 61,42 điểm, tuy nhiên vẫn xếp trên sát nút Chicago.
Trước đó không lâu, Tổng thống Obama đã điện thoại cho chủ tịch Jacques Rogge của IOC để nói rằng ông có thể không đến Copenhagen do bận rộn với cuộc tranh luận về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước ông, một nghị trình quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông.
Trong khi đó tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama mới nhậm chức hơn một tuần đã tuyên bố sẽ đến Copenhagen trong dịp này. Còn Tổng thống Luiz Inacia Lula da Silva của Brazil, và Quốc vương Juan Carlos của Tây Ban Nha đã lập chương trình đến vận động ở thủ đô Đan Mạch từ rất lâu trước đó.
Ông Dick Pound một ủy viên người Canada của IOC nói rằng: "Trong cuộc tranh luận về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, ông Obama có thể chỉ giành được tỉ lệ 50,1% trên 49,9%, thế nhưng bên ngoài nước Mỹ ông là một siêu sao."
Tại trung tâm thành phố Chicago, công chúng vẫn chưa quên không khí náo nức chờ tin ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Anh Ishak Mohamed, một cư dân Chicago chuyên ngành tin học, hy vọng rằng ông Obama có thể giúp Chicago giành được thêm vài lá phiếu còn do dự.
Anh Mohamed nói: "Theo tôi thì sự hiện diện của ông Obama sẽ giúp ích rất nhiều cho sự thành công của việc tranh đăng cai cho Chicago. Lý do là có một vài thành viên của Ủy ban Olympic cho biết cuộc đua này rất sít sao, các ứng viên chỉ hơn nhau một, hai phiếu, và trong IOC còn vài thành viên vẫn đang do dự. Sự có mặt của ông Obama có thể tranh thủ được những lá phiếu còn do dự đó."
Tỉ lệ công chúng Mỹ ủng hộ nỗ lực tranh đăng cai của Chicago tăng lên đáng kể vào những ngày cuối của cuộc đua. Khởi sự chương trình vận động tại thủ đô Đan Mạch, chủ tịch Uỷ ban tranh đăng cai Chicago 2016 Pat Ryan cho biết các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy 72% người dân Chicago, và đến 82% người Mỹ nói chung ủng hộ nỗ lực tranh đăng cai này.
Chị Thủy Lê, một cư dân Chicago chuyên ngành thiết kế quảng cáo, nói rằng người dân tại thành phố được mệnh danh 'có nhiều gió' này đang mong chờ tin được làm chủ nhà Olympic.
Chị Thủy Lê cho biết: "Người dân Chicago rất náo nức việc thành phố tranh đăng cai Thế vận hội 2016. Bích chương cổ động treo khắp nơi, nhất là tại các trạm xe buýt. Ngay trên xe buýt, thỉnh thoảng lại có những đoạn phát thanh vận động cho nỗ lực tranh đăng cai."
Chị Thủy nói rằng việc được trao quyền đăng cai Olympic sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của cư dân tại thành phố lớn thứ ba của nước Mỹ này.
Chị Thủy nói tiếp: "Chicago có nhiều cộng đồng dân tộc đến từ các nước, trong đó có cộng đồng người Việt. Được trao cho quyền đăng cai Thế vận hội sẽ mở ra nhiều điền kiện kinh doanh thuận lợi cho Chicago, và cho cộng đồng người Việt. Và nếu được chọn thì tôi nghĩ người Chicago, trong đó có cộng đồng người Việt, sẽ có nhiều chương trình đóng góp cho sự kiện này. Tôi cũng như nhiều người khác sẽ nhiệt tình cỗ vũ, và tham gia những công tác tình nguyện.
Sau khi đến Copenhagen vào sáng sớm thứ ba, đoàn Chicago đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ 'quảng bá cho hình ảnh và tinh thần Chicago càng rộng khắp tại thủ đô của Đan Mạch càng tốt'. Trong khi đó Thị trưởng Richard M. Daley và chủ tịch Pat Ryan của Chicago 2016 nỗ lực tiếp xúc với các ủy viên IOC để tranh thủ sự ủng hộ.
Tòa Bạch Ốc cho hay Đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ đến Copenhagen ngày thứ Tư, và Tổng thống Obama sẽ đến đó vào sáng sớm thứ Sáu, trước giờ Chicago thuyết trình trước hội đồng biểu quyết của IOC.
Đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tham gia đoàn tranh đăng cai của một thành phố để đến vận động tại cuộc biểu quyết của IOC. Người dân Mỹ, nhất là người Chicago, đang trông mong rằng với quyết tâm như vậy, họ có thể được trao cho vinh dự lần thứ 8 tổ chức Olympic trên đất nước của họ.