Kỷ niệm 400 năm Thành phố New York

400 năm trước cũng trong tháng này, ông Henry Hudson, lúc đang tìm kiếm một hải lộ để sang châu Á, đã lái tàu vào một nơi mà giờ đây là hải khẩu New York. Chuyến đi của ông đến nơi này được ăn mừng như phút khởi đầu của khu định cư của người Hà Lan ở Bắc Mỹ. Mấy năm sau, các thương gia Hà Lan đã lập thị trấn New Amsterdam để buôn bán da thú với dân da đỏ bản địa. Ngày nay thì khu lập cư đó được biết đến dưới tên New York City, thành phố New York. Mời quí vị theo dõi bài của Thông tín viên Martin Phillips viết về sự lớn mạnh của thành phố New York hình thành từ một khu định cư nhỏ bé của người Hà Lan lúc khởi thủy.

Thành phố New York có một phong thái hết sức đặc thù khiến cho người ta khó mà tưởng tượng được rằng có thời nó chỉ là một khu định cư nhỏ bé của người Hà Lan.

Nhưng tại viện bảo tàng South Street Seaport của thành phố New York, một văn kiện đã có từ hàng trăm năm nay cho thấy rằng người Hà Lan thực sự đã trả tiền để mua khu đất này.

Ông Martin Berendse, Giám đốc của Văn Khố Quốc Gia Hà Lan, đã dịch lá thư do một giới chức Hà Lan viết từ năm 1624.

Ông Berendse đọc một trích đoạn lá thư: “Muôn tâu thánh thượng, thần nghe thấy tiếng còi tàu, chiếc New Amsterdam, từ Tân Hà Lan về đến Amsterdam. Thần nói chuyện với viên thuyền trưởng và được biết là người của chúng ta ở đó đang an cư lạc nghiệp. Nhiều trẻ con ra đời ở đó. Khu lập cư này đang tiến triển tốt đẹp, và chúng ta đã mua lại đảo Manhattan với giá 60 đồng guilder. Tiện đây thần cũng xin báo tin là con tàu trở về mang theo chuyến hàng toàn là lông thú. “

Lá thư này được Hà Lan cho thành phố New York mượn nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập.

Ông Berendse giải thích: “Đó là bản tuyên ngôn về sự thành lập một khu định cư của người Hà Lan được gọi là Tân Amsterdam (New Amsterdam), khu đất giờ đây đã phát triển thành một thành phố rất lớn có tên là New York.

Viện bảo tàng cũng trưng bày một bản đồ của khu vực này, cho thấy nhà cửa và đường sá tại khu định cư mới của người Hà Lan ngày đó.

Một bản đồ khác cho thấy khu Manhattan ngày đó nhỏ như thế nào, cho đến khi người Anh đến.

Sử gia về kiến trúc Barry Lewis cho biết người Anh đã đổ rác xuống con sông phía đông để lấp đi, dọc theo phía đông của khu Manhattan vì họ cần có đất đai. Rồi nhiều luồng sóng di dân hầu hết từ châu Âu, tiếp tục đổ về đây.

Sử gia Lewis nói: “Vào lúc bắt đầu thế kỷ thứ 19 chúng ta chỉ có chừng 100 ngàn dân. Đến năm 1875 dân số Manhattan đã lên tới trên 1 triệu. Đến năm 1910 có tới trên 2 triệu người sinh sống ở đảo Manhattan.”

Đất đai tại khu Manhattan ngày càng đắt đỏ. Năm 1883 cầu Brooklyn được xây lên để người dân có thể mua đất ra xa hơn nữa, tại Long Island, nơi giá đất rẻ hơn.

Ông Lewis nói: “Người ta có thể đi xe ngựa, dùng thuyền hay xe chở khách để sang Long Island, mà người ta cũng có thể cuốc bộ trên cầu nữa.”

Thế rồi xe điện ngầm xuất hiện trong thành phố.

Sử gia Lewis nói tiếp: “Điều tuyệt diệu nhất của hệ thống xe điện ngầm ở New York là chỉ với 5 xu, người ta có thể đi xa hàng chục dặm đường ra khỏi khu vực trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố và nó giúp mở rộng việc xây cất nhà cửa ra các vùng ngoại ô của khu thị tứ. Thế nên một người trung bình cũng có thể mua được ít nhất là một căn nhà hay một căn hộ tươm tất ở một nơi đàng hoàng.”

Nhưng nếu muốn kinh doanh thì cần phải đặt cơ sở ở Manhattan. Vì thế những nhà thầu xây cất bắt đầu xây các nhà cao tầng, và trào lưu này đã dẫn tới những tòa nhà chọc trời ở thành phố New York.

Ông Lewis nói: “Lúc ban đầu người ta rất sợ các tòa nhà chọc trời đó sẽ đổ sập xuống ngay khi có trận bão đầu tiên thổi tới. Và những ai sở hữu các bất động sản cạnh những tòa nhà này đều lo ngay ngáy là không có ai muốn thuê nhà của họ nữa vì mấy cái tòa nhà chọc trời nằm lù lù ngay bên cạnh.”

Thế nhưng những cái tòa nhà ngất nghểu đó cứ thế mà thi nhau mọc lên. Ban đầu thì tòa nhà của cửa hàng bách hóa Woolworth, sau đến tổng hành dinh của hãng xe Chrysler, tiếp theo là tòa Empire State, càng sinh sau đẻ muộn thì lại càng cao hơn những tòa nhà được xây lên trước.

Ông Lewis nhận định: “Động lực chính là tiền thôi. Đây là một thành phố do những nhà đầu cơ địa ốc xây lên.”

Nhưng mà không phải tất cả mọi thứ tại thành phố New York đều được xây lên chỉ vì tiền.

Khải Hoàn Môn Quảng Trường Washington do kiến trúc sư Standford White vẽ kiểu và viện bảo tàng Guggenheim Museum do kiến trúc sư và chuyên gia trang trí nội thất Frank Lloyd Wright họa kiểu cùng nhiều tòa nhà danh tiếng khác đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho thành phố New York.

Thế nhưng cái mảnh đất nhỏ bé bắt đầu được dùng làm địa điểm mua bán lông thú 400 năm về trước thì ngày nay tiền bạc cứ đổ về đấy.

Khu định cư mà người Hà Lan đến để mua bán lông thú của người thổ sinh da đỏ xưa kia thì nay là Wall Street, trung tâm tài chính của cả thế giới đấy thưa quí vị!