International Lifeline Fund

Sau 2 năm ở Phi Luật Tân và giúp đỡ gần 500 người được đoàn tụ với gia đình của họ, vào cuối năm 1999 tôi quyết định quay trở về Úc để bắt đầu công cuộc vận động tranh đấu cho nhóm 2,000 người Việt tỵ nạn cuối cùng còn kẹt lại tại Phi mà theo luật pháp lúc bấy giờ, họ không còn bất cứ cơ hội nào để được định cư. Bất kể là qua chương trình nào hay ở một nước thứ ba nào.

May mắn thay, sau hai năm vận động cùng với Cộng Đồng Người Việt ở Úc gần 300 người đã được chính Bộ Trưởng Bộ Di Trú Úc lúc ấy là Ông Philip Ruddock cho phép sang Úc định cư qua diện đặc biệt nhân đạo. Thế nhưng những người còn kẹt lại thì sao? Quốc gia nào sẽ nhận họ? Chả lẽ họ sẽ mãi mãi là những người phải sống vô tổ quốc, không một tấm giấy tùy thân, mãi mãi không thể có một viễn ảnh cho một ngày mai tươi sáng?

Từ Úc tôi bay sang Anh. Từ Anh tôi đã đến Na Uy. Và cuối cùng tôi đã đặt chân đến Washington D.C. vào mùa hè của năm 2002 để tìm đường cứu giúp những người tỵ nạn kém may mắn mà suy cho cùng thật ra nếu như gia đình tôi cũng nhỡ chậm chân như họ thì tương lai của tôi cũng chẳng khác gì họ.

Việc đầu tiên tôi làm khi đến Washington là cố tìm cách liên lạc lại với các bạn bè xưa cũ. Đặc biệt là những người đã từng cộng tác với LAVAS ở Hồng Kông trong suốt khoảng thời gian chúng tôi làm việc chung ở đó.

Nhưng ôi thôi, tuyệt đại đa số chúng nó đã có một cuộc sống mới từ khi LAVAS quyết định đóng cửa vào cuối thập niên 90. Đứa thì đã có văn phòng luật sư riêng hẳn hoi đang làm ăn khấm khá. Thằng đã có gia đình một vợ, hai con. Nếu có nhắc đến chuyện tỵ nạn Việt Nam thì cũng chỉ còn là những kỷ niệm của một thời trai trẻ ham vui, thích quậy.

Còn nhớ ngày nào tôi sang Mỹ lần đầu tiên được cho ở nhà Dân Biểu Trần Thái Văn miễn phí và vô hạn định. Lúc ấy Văn vẫn còn độc thân và chưa tham gia chính trường. Luật Sư Nguyễn Quốc Lân ân cần đi mượn chiếc xe truck cà tàng của ông anh Lân để giúp tôi có phương tiện đi lại. Còn Luật Sư Trần Kinh Luân thì cho tôi nguyên một vé máy bay khứ hồi Phi – Mỹ để tôi… đỡ tốn.

Nhưng riêng Dan Wolf thì vẫn vậy. Vẫn hồn nhiên, trẻ trung, độc thân và đầy nhiệt huyết. Lúc ấy Dan đang làm Giám Đốc cho một trong những công ty luật hàng đầu của nước Mỹ có văn phòng đặt ở Washington D.C. Qua vài buổi gặp mặt thăm hỏi trò chuyện, tôi được cho biết là Dan sắp thắng một vụ kiện quan trọng có liên quan đến chính phủ Iraq và một số tiền khá lớn.

Nếu không muốn nói là rất lớn vì số tiền thắng có thể lên đến vài triệu Mỹ kim.

Dan bảo nếu thắng anh sẽ xin nghỉ việc để có thể tiếp tục tìm cho mình một công việc có ý nghĩa.

Và như năm nào, cuối cùng anh cũng đã chiến thắng. Chiến thắng một cách ngoạn mục và hoan hỉ hơn vì không như lần trước anh đã giúp cho những gia đình tỵ nạn Việt Nam hoàn toàn miễn phí, lần này tiền công mà anh nhận được dư đủ để nuôi anh mãi mãi về sau này mà không cần phải mỗi sáng thức dậy đi làm chi cho tốn công, tốn sức.

Mà thật ra cũng có thể nói nó nhiều đến đỗi chính anh cũng phải thú nhận là tự anh một mình có đủ sức để lập ra một quỹ cứu trợ quốc tế để giúp cho những đồng loại kém may mắn trên thế giới.

Và quỹ cứu trợ International Lifeline Fund đã được Dan cho ra đời trong hoàn cảnh đó. Sau nhiều lần bỏ công đi tìm hiểu cặn nguồn của các vấn nạn trên khắp thế giới, cuối cùng Dan đã quyết định ra tay cứu giúp những người tỵ nạn Phi Châu. Những người mà cả đời họ chỉ thấy chiến tranh, bệnh tật và đói khổ triền miên. Ngày này qua tháng khác.

Họ chạy loạn khắp mọi nơi mong tìm được một mảnh đất để ẩn trú trên khắp lục địa Phi Châu nhưng phần lớn những người tỵ nạn khốn cùng nhất đang tập trung ở Sudan, Uganda, Kenya, Somalia và Congo. Nhưng thành tâm mà nói tôi chưa bao giờ có dịp sang Phi Châu để thấy tận mắt những cảnh tượng khốn cùng đó. Những gì tôi biết được về con người và hoàn cảnh của những nước nghèo khó cùng cực nhất ngay bây giờ là đến từ Dan và những gì Dan đang cố gắng hết mình để cứu giúp cho nhân loại.

Anh đang cho phân phát hàng chục ngàn lò bếp nấu củi để chấm dứt tình trạng những người phụ nữ tỵ nạn bị các quân phiến loạn bắt cóc, hãm hiếp khi họ phải đi ra khỏi trại để làm rừng, đốn củi đem về cho gia đình sử dụng. Điều này cũng đang làm hủy hoại môi trường một cách trầm trọng.

Anh cũng đang giúp đào giếng cho hàng chục ngàn người dân trong các làng xa hẻo lánh có nước sạch để dùng và sinh hoạt hằng ngày. Vì xài và uống nước bẩn là một trong những yếu tố giết người lớn nhất ở Phi Châu. Và cùng một lúc anh đang cố gắng thành lập những tổ chức đơn vị mua bán nhỏ hầu có thể tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân nghèo đang có nguy cơ bị chết đói vì thiếu hụt triền miên không một ngày no bữa.

Thật đúng. Có đi xa mới hiểu rộng. Có bước ra thế giới bên ngoài mới thấy những việc mình làm chẳng thấm vào đâu nếu so với những tấm lòng của những người như Pam, như Dan Wolf.

Tuần sắp tới đây Dan sẽ tổ chức buổi lễ ra mắt Quỹ Từ Thiện Quốc Tế International Lifeline Fund ngay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nhiều người bạn của Dan sẽ có mặt.

Và chắc chắn là tôi cũng sẽ có mặt.

Tôi phải có mặt để ủng hộ cho Dan giữ vững tinh thần để tiếp tục con đường mà anh đã chọn. Nếu ngày xưa không có những người như Dan, như Pam đi trước thì khó mà những người như tôi có dịp bước theo để tự tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp. Và trong hiện tại, nếu không có những người như Dan thì cũng khó cho những người như tôi tiếp tục mạnh dạn bước đi trên con đường mà mình đã chọn.

Cuộc sống là những hành trình tiếp nối và nó sẽ thật sự hạnh phúc nếu như trên một trong những chuyến hành trình đó, chúng ta ngẫu nhiên tìm được cho mình những người bạn đồng hành có cùng tâm nguyện, một lòng, một chí hướng. Ngay giây phút này, tôi cũng biết và cảm nhận được là tôi đã tìm được cho mình những người bạn đúng nghĩa nhất. Và cũng rất hãnh diện là có những người bạn như Dan.

Thế còn bạn thì sao? Bạn có muốn cùng tôi giúp Dan một tay không? www.lifelinefund.org