Trở lại câu chuyện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) ngưng hoạt động, hai luật gia phát biểu sau khi Bộ Tư pháp Việt Nam đã trả lời IDS, khẳng định rằng Quyết định số 97 là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội có nhận xét sau đây về chuyện IDS tuyên bố ngưng hoạt động.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ nói: "Quan điểm của tôi là lẽ ra IDS không nên tự giải thể bởi vì nếu tự giải thể thì nhà nước vỗ tay, khi họ mới chỉ vừa dứ ra một đòn. Ngày trước khi trung thần nói mà Vua không nghe thì Vua cho chết bằng cách ban một thanh đoản kiếm, một giải lụa, một lọ thuốc độc. Nếu trung với Vua thì khi Vua bảo chết thì ngu trung phải chết. Cách làm của IDS tôi thấy mang máng như ngu trung thời phong kiến, chẳng thà mình tự vẫn trước. Chuyện đấy là tiêu cực trong xã hội hiện nay, trong khi Việt Nam không cô đơn trong thế giới hiện nay.
Ngoài chuyện Việt Nam muốn làm bạn với nhân dân các nước, Việt Nam còn là một tâm điểm được thế giới chú ý. Trí thức Việt Nam vẫn còn rất nhiều bạn bè không chỉ ở trong nước mà còn khắp nơi trên thế giới. Tôi cho rằng IDS tự giải thể là hành vi tự vẫn, tiêu cực. Khi mình có lý tưởng vì khoa học, vì sự phát triển xã hội, cải tiến xã hội ngày càng vừa phù hợp lợi ích quốc gia, vừa phù hợp lợi ích công dân, cũng như hội nhập sâu hơn vào thế giới thì IDS, với những vị thâm niên nghiên cứu ít nhiều được công nhận trong xã hội Việt Nam, lẽ ra phải tiếp tục làm gương, tiếp tục tấn công vào cơ chế cũ để không những tồn tại mà còn tạo điều kiện cho những thế hệ sau. Chứ còn bây giờ IDS tự vẫn như thế này thì chính nó gây ra không những tiêu cực với bản thân IDS mà đối với kẻ sĩ và trí thức lớp sau. Họ sẽ bảo đến như quý vị đã có công đóng góp mà còn phải “tự vẫn”như vậy thì đến lượt chúng ta, chúng ta sẽ không làm gì hơn, tốt nhất là không phản biện nữa. Về mặt đạo đức thì tôi khâm phục nhưng về hiệu quả hay tác động xã hội thì tôi cho sự giải thể của IDS là tiêu cực."
Luật sư Cù Huy Hà Vũ nói rằng lẽ ra IDS nên phản ứng theo cách khác.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ nói tiếp: "Quan điểm của tôi là, sau khi Quyết định số 97 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 thì IDS tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép hãy đăng ký lại cho IDS để xem cơ quan kia làm gì. Nếu cơ quan có thẩm quyền đó từ chối, không cấp phép lại, hay nói cách khác, khai tử IDS thì hành vi khai tử đó thuộc về nhà nước, thay vì hiện nay cái chết đó thuộc về IDS.
Tôi cho rằng IDS vội vã nhưng tôi cũng thông cảm một phần vì có thể nói rằng tuyệt đại đa số 16 vị trong hội đồng IDS cũng nhiều tuổi rồi, thành ra trong não trạng các vị ấy vẫn còn đọng chất sĩ phu của thời phong kiến, thiếu sự tỉnh táo, quyết liệt của lớp tuổi trẻ hơn.
Tôi có thể khâm phục sự dũng cảm của các vị tự giải thể nhưng đồng thời tôi cũng chê trách các vị quá vội vàng. Trong thực tế, mọi điều đều có thể thay đổi được. Sau khi có Quyết định 97, IDS vẫn có quyền đề nghị đăng ký lại. Nếu không chấp nhận thì IDS vẫn có thể kết hợp với các trí thức khác và giới luật gia đấu tranh để làm thế nào mô hình nghiên cứu phát triển như IDS không những tồn tại mà ngày càng được nhân rộng."
Tại Hoa Kỳ, giáo sư luật khoa Tạ Văn Tài nói rằng trí thức trong nước đóng góp ý kiến cho nhà nước mà còn bị cất vào ngăn kéo thì ý kiến của trí thức hải ngoại như ông cũng không chắc gì được nghe. Nhưng vì sống ở Mỹ dễ nói hơn và cũng để đáp lời kêu gọi do một người bạn của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên của IDS, đưa ra, giáo sư Tạ Văn Tài cũng muốn có đôi lời.
Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng ý với IDS về những lập luận của họ và tôi cũng bất đồng ý kiến với những lập luận của Bộ Tư pháp. Ở các nước dân chủ, khi một luật khoa học công nghệ hoặc một Quyết định giống như 97 trái với Hiến pháp như IDS đã nêu ra thì luật hoặc quyết định đó có thể bị kiện xin hủy bỏ trước Tòa án Tối cao hay Tòa Hiến pháp, coi như vi hiến. Trí thức hải ngoại nghe những chuyện phi lý như thế này, họ có thể tự hỏi, một khi nội lực trí thức trong nước còn bị khó khăn như vậy thì ngoại lực của trí thức hải ngoại có nên ngán ngẩm hay không, có nên về mà giúp đỡ gì trong một môi trường như vậy không? Nhất là khi họ chả có ý tìm địa vị hay tranh bá đồ vương gì ở trong nước.
Vậy thì lời kêu gọi hợp tác chất xám, kêu gọi nhà đầu tư người Việt ở hải ngoại về giúp nước sẽ gặp khó khăn sau quyết định này. Nhưng vẫn còn một niềm hy vọng. Tôi nghe ông Lê Đăng Doanh nói rằng, viện này là một thứ con nuôi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để khuyến khích sinh hoạt của các trí thức. Ông Doanh nói có lẽ vào một thời điểm thuận lợi hơn có thể lập lại được. Đó là niềm hy vọng mà tôi nghĩ trong tương lai có thể xảy ra."