Kampuchea bị chỉ trích vì hạn chế quyền tự do phát biểu

Kampuchea đã bị cáo buộc là bịt miệng những người chỉ trích bằng cách kiện tụng, bỏ tù và ám sát. Lãnh tụ đối lập của Kampuchea nói rằng việc trấn áp là mưu toan của chính phủ để đối phó với điều ông gọi là một sự bất mãn ngày càng gia tăng về nền kinh tế và những ai được hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng kinh tế. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA, thông tín viên Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Tại một cuộc thảo luận nhóm ở câu lạc bộ báo chí Bangkok, chính phủ Kampuchea bị cáo buộc là làm mọi thứ trong phạm vi quyền hạn của mình để bịt miệng những người chỉ trích các chính sách của chính phủ.

Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy nói rằng những người hoạt động trong quần chúng, các chính trị gia, và những người lãnh đạo thôn xã đã bị giết hại, bỏ tù và buộc phải trốn tránh vì bất đồng với đảng cầm quyền.

Ông Rainsy nói rằng chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đang tính ém nhẹm sự bất mãn ngày càng gia tăng về việc trưng dụng đất đai và đa số người Kampuchea không được hưởng lợi ích của nền kinh tế đang tăng trưởng.

Ông Sam Rainsy nói rằng một phần của vấn đề là nhiều người lãnh đạo Kampuchea như ông Hun Sen là thành viên cũ của Khmer Đỏ, chính quyền Cộng sản tàn bạo đã cai trị trong thập niên 1970 và là thủ phạm gây ra cái chết của 2 triệu người Kampuchea.

Ông Rainsy nói: “Họ vẫn còn có cái thái độ của Khmer Đỏ. Họ không dung chấp sự chỉ trích và họ nghi kỵ. Họ nhìn thấy kẻ thù ở khắp nơi quanh họ và họ có các biện pháp ngăn chặn để tiêu diệt kẻ thù hay những người có thể là kẻ thù bằng cách giết hại, bịt miệng những người ấy.”

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Ký giả Kampuchea, Duong Hak Samrithy cho hay những vụ kiện cáo bôi nhọ mới đây của Đảng Nhân dân Kampuchea của ông Hun Sen nhắm vào các cơ quan truyền thông thẳng thắn lên tiếng cho thấy một khuôn mẫu rõ ràng là không dung chấp. Ông nói rằng các nhà báo cũng đã là mục tiêu của hành vi bạo lực mà ông liên kết với chính phủ.

Ông Samrithy nói: “Cho đến bây giờ, khoảng 10 ký giả đã bị ám sát. Nhưng không có manh mối nào đã được cảnh sát phanh phui, thậm chí chỉ cho một vụ thôi. Như vậy, ta có thể nói đây rõ ràng là một mưu toan của đảng Nhân dân Kampuchea muốn bịt miệng báo chí đối lập.”

Ông Duong Hak Samrithy nói rằng các cơ quan cấp viện quốc tế đã giúp chính phủ Kampuchea vận hành, phải dùng thế lực của mình để thúc ép chính phủ về những vấn đề nhân quyền.

Nhưng một giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, ông Puangthong Pawakapan, nói rằng những cơ quan cấp viện chính như Nhật Bản và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á không chứng tỏ mấy thiện chí muốn làm áp lực đối với Phnom Penh.

Ông Pawakapan nói: “Tuy ta không thể hy vọng nhiều vào các chính phủ của các nước này, các cơ quan cấp viện và ASEAN, cùng các nước đầu tư chính, theo tôi nhiệm vụ sẽ thuộc về các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ ở nội địa Kampuchea.”

Nhóm thảo luận được tổ chức bởi Liên minh Báo chí Đông Nam Á, một tổ chức phi lợi nhuận tranh đấu cho nhân quyền, có trụ sở ở Bangkok, vận động cho quyền tự do báo chí ở Đông nam châu Á.