Suy thoái kinh tế làm thiệt hại các nước nghèo

Một vài nền kinh tế hàng đầu trên thế giới có thể vượt khỏi suy thoái nhưng tình trạng của các nước nghèo nhất trở nên tàn hại hơn.

Một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới (WB) hôm thứ Tư cảnh báo là 43 quốc gia nghèo nhất trong số các nước đang phát triển đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về tài chánh ước khoảng gần 12 tỉ đô la.

Điều này làm hại đến việc tài trợ cho các lãnh vực trọng yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hạ tầng cơ sở.

Các viên chức WB dự trù sẽ trình bày báo cáo này cho lãnh đạo các quốc gia công nghiệp hàng đầu trên thế giới tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 sẽ được tổ chức vào cuối tháng này tại thành phố Pittsburgh của Hoa Kỳ.

Chủ tịch WB Robert Zoellick tuyên bố là sự tiến triển trên những lãnh vực trọng yếu đã bị đình trệ hay bị đảo ngược vì suy thoái toàn cầu.

Ông yêu cầu các quốc gia G-20 làm tròn lời hứa đóng góp nhiều tỉ đô la viện trợ.

Ngân hàng thế giới cho biết là trước cuộc khủng hoảng, khoảng 89 triệu người hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực.

Tuy nhiên kinh tế xuống dốc có nghĩa là nhóm này sẽ không có khả năng thu nhập nhiều hơn 1 đô la 25 cent mỗi ngày như hiện nay.

Báo cáo của WB cũng cho biết là nhiều quốc gia nghèo bị thiệt hại nặng nề do việc giảm sút mậu dịch quốc tế.

Chẳng hạn như 62.000 công nhân may mặc Cambodia mất việc do ảnh hưởng của suy thoái trong khi một phần tư công nhân hầm mỏ tại Zimbabwe mất việc do giá đồng hạ.

Công nhân các nước có lợi tức thấp lao động ở nước ngoài bị thiệt hại bởi mức thất nghiệp tăng cao trên thế giới và không còn có khả năng gởi nhiều tiền về cho gia đình, bạn bè.

Ngân hàng thế giới dự báo là số tiền gởi này sẽ giảm từ 5% đến 7% trong năm nay.

Báo cáo cũng ghi nhận là những nước có lợi tức kém nhất là những đảo quốc bị thiệt hại vì du lịch giảm sút trong khi tiền từ các nhà đầu tư tư nhân cũng khô cạn, giảm mất 9 tỉ đô la từ năm 2007 đến 2009.

Ngân hàng thế giới kêu gọi các quốc gia G-20 chấp thuận 20 tỉ đô la tiền viện trợ nông nghiệp để nâng cao mức sản xuất và lợi tức của những quốc gia bị ảnh hưởng.

Ngân hàng thế giới cũng kêu gọi thành lập một cơ quan đối phó với khủng hoảng để giúp các quốc gia lợi tức thấp được trợ giúp hữu hiệu đúng lúc.