Hoa Kỳ cắt 11 triệu đô la viện trợ cho Honduras để phản ứng lại cuộc đảo chánh ngày 28 tháng 6 vừa qua lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya.
Cơ quan Thách đố Thiên niên kỷ, viết tắt là MCC của chính phủ Hoa Kỳ, loan báo là đã ngưng hai dự án giao thông tại Honduras đã đến hạn nhận tài trợ 11 triệu đô la.
MCC cũng nói là tạm ngưng 4 triệu đô la cho một dự án xây dựng đường lộ khác.
Cơ quan này của Hoa Kỳ tài trợ cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại những quốc gia chứng tỏ đã thực hiện những cam kết tuân thủ những nguyên tắc dân chủ.
Trong một thông báo được công bố vào cuối ngày thứ Tư, MCC cho biết là những biến cố xảy ra gần đây tại Honduras không phù hợp với lề lối cai trị dân chủ và cũng nói thêm rằng các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ do MCC phân phối là do cố gắng đạt được chứ không phải tự động được chi trả.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết là đã bãi bỏ ngân khoản 30 triệu đô la viện trợ cho Honduras vì chính quyền lâm thời tại Tegucigalpa từ chối không chấp nhận một kế hoạch hòa bình do Costa Rica đứng làm trung gian hòa giải nhằm đưa ông Zelaya trở lại ghế Tổng thống Honduras.
Ngân khoản 4 triệu đô la do MCC giữ lại được dự tính dùng cho một dự án được tài trợ chung với Ngân hàng Trung Mỹ về Hội nhập Kinh tế.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết là để Honduras có thể nhận lại được những khoản viện trợ bị cắt, nước này phải trở lại với quyền cai trị dân chủ hợp hiến.
Chính quyền hiện tại của quốc gia Trung Mỹ này cho rằng ông Zelaya bị truất quyền một cách hợp pháp vì ông đã vi phạm phán quyết của Tòa án Tối cao ra lệnh cho ông không được sửa đổi Hiến pháp để ông tiếp tục cầm quyền.
Chính phủ lâm thời Honduras dự trù tổ chức bầu cử vào tháng 11 tới đây nhưng các giới chức Hoa Kỳ tuyên bố là căn cứ vào tình trạng hiện tại, Washington sẽ không công nhận kết quả bầu cử này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng cuộc bầu cử tại Honduras phải được tiến hành một cách tự do, công bằng và minh bạch.
Tổng thống lâm thời Honduras, ông Roberto Micheletti tuyên bố là cuộc bầu cử vẫn được tiến hành dù rằng những quốc gia khác không công nhận kết quả bầu cử.