Một tổ chức theo dõi báo chí toàn cầu đã cực lực lên án vụ trấn áp ngày càng gia tăng của Việt Nam đối với các nhà báo và những người viết blog chính trị.
Trong một công bố đưa ra hôm thứ Sáu, Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở tại New York kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Đoan Trang, một phóng viên xuất sắc của báo Vietnam Net và nhà báo Bùi Thanh Hiếu, người viết blog với bút danh Người Buôn Gió.
Cả hai phóng viên này đã bị bắt hồi tuần trước vì bị cáo buộc các tội có liên quan đến “an ninh quốc gia”.
Một blogger có tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với trang blog mang tên "Mẹ Nấm" cũng đã bị bắt đêm hôm thứ Tư tại nhà cô ở thành phố biển Nha Trang.
Trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, mẹ của Như Quỳnh cho hay cô bị khoảng 15 cảnh sát viên bắt giữ và bị cáo buộc tội lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm an ninh quốc gia, tội danh này có thể dẫn đến một bản án tù giam đối với cô.
Cả ba nhà báo này đều có những bài viết về các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp.
Mẹ của Quỳnh cũng cho AFP biết cô đã có những bài viết về dự án bauxite gây nhiều tranh cãi ở Tây Nguyên. Bà cho hay hôm 20 tháng 7, cô mặc một chiếc áo thun kêu gọi hủy bỏ dự án này và tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ông Bob Dietz, điều phối viên khu vực Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả nói rằng “Việt Nam đã là một trong những nước vi phạm tồi tệ nhất quyền tự do sử dụng Internet, và những hành động gần đây càng củng cố thêm cho thanh danh này”.
Trả lời ban Việt Ngữ đài VOA qua điện thoại, đại diện của Ủy ban Bảo vệ Ký giả tại Đông Nam Á, ông Shawn Crispin nói rằng Ủy ban Bảo vệ Ký giả cực lực lên án vụ trấn áp ngày càng gia tăng của Việt Nam đối với các nhà báo điện tử và những người viết blog chính trị và họ quan ngại rằng đây là một xu hướng đáng lo ngại của giới hữu trách Việt Nam.
Ông Crispin nói "Lý do mà chúng tôi cảm thấy lo ngại là vì trong những năm gần đây các blogger và các nhà báo điện tử đã có nhiều hoạt động để mở ra một không gian cho các ý kiến chỉ trích và các bài tường trình vốn thường bị kiểm duyệt trên các báo chí do nhà nước kiểm soát và những ý kiến chỉ trích này hiện đang bị chính phủ trấn áp với một thái độ độc đoán. Và với việc thành lập Cơ quan quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của chính phủ với nhiệm vụ theo dõi các blog và các hoạt động trên mạng thì dường như chính quyền đã sử dụng những thông tin này để nhắm vào những người viết blog và các nhà báo điện tử để sách nhiễu và thậm chí bắt giữ những người này. Vì vậy đây là một xu hướng đáng lo ngại và chúng tôi đang tìm cách để khiến dư luận quốc tế quan tâm nhiều đến vụ việc này".
Thông cáo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả cũng có đoạn viết rằng mối quan hệ về thương mại và ngoại giao ngày càng gia tăng với Trung Quốc là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Việt Nam bởi lịch sử đối kháng giữa hai nước láng giềng này.
Ủy Ban Bảo vệ Ký giả cũng đang điều tra một số nguồn tin chưa được xác nhận nói rằng Phóng viên Trần Uy của Đài Truyền hình Việt Nam và cũng là một người viết blog chính trị với bút danh "Sphinx" cũng bị bắt giữ trong chiến dịch này.
(Nguồn: AFP, CPJ