Chính phủ Trung Quốc vào tuần này loan báo di dời khỏang 50.000 dân du mục Tây Tạng ra khỏi một khu bảo tồn thiên nhiên ở phía Tây Trung Quốc trong khuôn khổ của chương trình định cư bắt đầu vào năm 2005. Bắc Kinh cho rằng chương trình này có mục đích bảo vệ hệ thống sinh thái của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Tuy nhiên những nhà tranh đấu Tây Tạng cáo buộc chính phủ Trung Quốc là hủy diệt một nền văn hóa du mục cổ xưa đã rất tôn trọng môi trường sống. Thông Tín Viên Michael Lipin của Đài VOA tường trình chi tiết.
Chính phủ Trung Quốc cho biết là đã gia tăng việc định cư người du mục Tây Tạng tại tỉnh Thanh Hải để ngăn chận những đàn gia súc của dân du mạc tàn phá khu bảo tồn thiên nhiên.
Trung Quốc cho rằng cùng với khí hậu biến đổi, việc chăn thả quá mức các đàn gia súc đã biến nhiều nơi của khu bảo tồn thiên nhiên Tam Giang Yên thành sa mạc.
Khu vực này là nguồn của 3 con sông lớn ở châu Á là Hoàng hà, Dương Tử và Mê Kông.
Ông Rinchen Tashi, từng làm nghề chăn gia súc trong tuổi thiếu thời tại một khu bảo tồn thiên nhiên, hiện là một chuyên gia phân tách về Trung Quốc thuộc nhóm hoạt động cho nhân quyền có tên là Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, trụ sở tại Washington, bác bỏ sự chỉ trích của Trung Quốc về lối sống của dân du mục.
Ông nói: “Dân du mục Tây Tạng đã sống tại khu vực này hàng ngàn năm nay từ đời này qua đời khác. Họ thực sự là những người bảo vệ môi trường của vùng này.”
Ông Tashi nói là dân du mục chuyển đàn gia súc từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác tùy theo mùa để tránh cho đồng cỏ bị gia súc tàn phá.
Ông nói thêm là những người chăn thả được dạy dỗ để tôn trọng hệ sinh thái trong vùng.
Ông Tashi nói khi ông còn nhỏ, ông thường nhặt những viên đá nhiều màu sắc về nhà để chơi nhưng ông nội của ông dạy phải mang trả về chỗ cũ.
Ông Tashi nói: “Ông tôi là một người chăn gia súc. Ông không bao giờ đi học. Tuy nhiên về môi trường, về khu vực này, tôi có thể nói ông là người hiểu biết như một chuyên gia có bằng Tiến sĩ.”
Ông Tashi có nhận xét là tình trạng tăng nhiệt của địa cầu là một yếu tố đứng đàng sau vấn đề môi trường của vùng này.
Tuy nhiên theo ông hầu hết những tàn phá là do những dự án hạ tầng cơ sở của chính phủ Trung Quốc như khai thác hầm mỏ và đường rầy xe lửa gây ra.
Cơ quan truyền thông quốc gia Trung Quốc loan báo là chính phủ đã xây 86 khu nhà công cộng tại vùng Tam Giang Yên để cho 50.000 dân du mục đến ở.
Cơ quan này trích lời của ông Lý Tiểu Nam cho biết là nhà cầm quyền đã giúp cho dân du mục thích nghi với đời sống mới bằng cách huấn nghệ, cho vay và mở trường học.
Ông Lý nói là lợi tức đầu người hàng năm trong những khu định cư này lên đến 300 đô la vào năm ngoái, gấp đôi lợi tức của họ khi còn sống du mục.
Tuy nhiên nhà hoạt động cho nhân quyền John Isom thuộc Trung tâm Công lý cho người Tây Tạng có trụ sở tại California tuyên bố là người dân sống về chăn thả vẫn còn nghèo so với đa số dân Trung Quốc.
Ông tố cáo Trung Quốc là đã ép buộc người dân du mục sống vào trợ cấp của nhà nước làm cho họ mất quyền độc lập về kinh tế.
Ông Isom nói: “Trung Quốc đã tiêu diệt văn hóa khi di chuyển những người sinh sống tại những khu vực họ đã sống từ hàng ngàn năm nay và ấn họ vào sống giữa những bức tường bê tông họ chưa bao giờ sống trong đó trước đây. Người ta không thể nào bắt buộc di dời người dân và đưa họ vào một khung cảnh họ không biết làm gì để sống và đặt vào tay họ những bịch gạo trong khi theo lịch sử thì họ không phải là dân có thói quen ăn gạo. Họ không phải là dân trồng trọt.”
Ông Isom nói thêm là chính phủ Trung Quốc di dời dân du mục ra khỏi đồng cỏ truyền thống của họ nhiều khi bằng cách cưỡng bức, để kiểm soát nhiều hơn nữa thành phần dân cư Tây Tạng.
Ông nói là Trung Quốc đã theo đuổi chính sách này không phải chỉ ở Thanh Hải mà còn ở Cam Túc, Tứ Xuyên ,Vân Nam và vùng tự trị của người Tây Tạng.
Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời yêu cầu của Đài VOA về những cáo buộc này.
Nhà hoạt động cho nhân quyền John Isom cho biết là tỉnh Thanh Hải có thời kỳ có khoảng 600.000 dân du mục cư ngụ.
Con số chính thức được đưa ra cho thấy hiện nay 90% dân du mục đã bị di dời khỏi những đồng cỏ.
Bắc Kinh loan báo là sẽ hoàn tất việc tái định cư vài ngàn người dân du mục Tây Tạng còn lại trong vùng vào năm tới.