Thái Lan được yêu cầu bảo vệ công nhân di trú Miến Điện

Một tổ chức tranh đấu có trụ sở ở Thái Lan nói rằng tình trạng của công nhân di trú từ Miến Điện tệ hại đáng kể so với cách đây một năm. Nhóm này kêu gọi chính phủ Thái Lan dành cho những công nhân di trú những mạng lưới an toàn này và các biện pháp bảo vệ hợp lý. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Tổ chức Chương trình Hỗ trợ Di trú, gọi tắt là MAP theo mẫu tự đầu tên tiếng Anh là Migrant Assistance Program, nói rằng tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đặc biệt đến dân di trú từ Miến Điện.

Theo một cuộc khảo cứu do tổ chức MAP công bố hôm thứ sáu tại câu lạc bộ báo chí Bangkok, 70% công nhân từ Miến Điện tại hai thành phố của Thái Lan nói rằng họ gặp nhiều khó khăn hơn khi đi tìm việc làm. Và trong khi giá sinh hoạt gia tăng thì 30% số công nhân này nói rằng lương của họ đã bị cắt giảm trong năm vừa qua.

Báo cáo nói rằng công nhân nhà máy bị ảnh hưởng nặng nhất vì xuất khẩu sụt giảm do nhu cầu nước ngoài xuống thấp.

Soe Lin Aung là một trong các tác giả của bản báo cáo. Bà nói rằng tổ chức MAP đang yêu cầu chính phủ Thái Lan để cho dân di trú được hòa nhập hoàn toàn vào hệ thống an sinh xã hội và bao gồm họ trong các kế hoạch phục hồi kinh tế.

Bà Soe Lin nói: “Chúng tôi cũng yêu cầu họ theo dõi và áp dụng các luật lao động thích nghi về giờ làm việc, lương tối thiểu và trả tiền cho những người bị mất việc. Chính phủ Thái nên bãi bỏ các hạn chế về đi lại đối với dân di trú. Nếu chúng ta cho phép dân di trú đi lại tự do hơn thì họ sẽ dễ dàng tìm được công ăn việc làm an toàn và bảo đảm, đó là điều tốt cho dân di trú, và cũng là điều tốt cho nền kinh tế bởi vì như thế thì số công nhân di trú có thể đáp ứng nhiều hơn với các điều kiện kinh tế nếu như họ được phép đi lại tự do hơn.”

Bà Soe Lin Aung nói rằng tổ chức cũng đang yêu cầu chính phủ Thái ngưng đe dọa trục xuất dân di trú bất hợp pháp, mà theo bà sẽ giúp xây dựng một xã hội toàn diện hơn.

Đa số công nhân di trú ở Thái Lan đều không có giấy tờ hợp pháp và thường có nguy cơ bị chủ nhân lạm dụng.

Báo cáo của tổ chức MAP nói rằng phụ nữ từ Miến Điện gánh chịu nhiều hậu quả hơn so với nam giới. Nhiều nữ công nhân di trú ở Thái Lan làm nghề giúp việc trong các gia đình.

Deng Lungjong thay mặt cho một nhóm công nhân làm, việc nhà ở Chiang Mai. Bà nói rằng chủ nhân đã ngưng không trả các khoản tiền trợ cấp và tăng lương, có người còn ngưng cả trả lương nữa.

Nhưng, mặc dầu tình hình công ăn việc làm ngày càng xấu đi ở Thái Lan, bà nói rằng họ cũng không khuyến khích công nhân di trú ở lại Miến Điện.

Bà Deng nói bà không can ngăn bạn bè đến Thái Lan bởi vì cho dù tình hình ở đây có xấu đến đâu thì ở Miến Điện còn tệ hơn nữa. Bà nói không có công ăn việc làm ở Miến Điên, trong khi ở Thái Lan thì vẫn còn những việc vặt vãnh.

Cuộc khảo cứu của tổ chức MAP dựa vào các cuộc phỏng vấn, các nhóm thăm dò và các kết quả thăm dò hơn 400 dân di trú từ Miến Điện làm việc ở các thành phố miền bắc Thái Lan là Mae Sot và Chiang Mai.

Có khoảng từ 3,000 đến 4,000 công nhân di trú từ Miến Điện làm việc tại hai thành phố này, chủ yếu trong ngành nông nghiệp, xây dựng và các nhà máy.