Nguy cơ về một cuộc xâm lăng quân sự của TQ ở Trường Sa

Dư luận ở Việt Nam thời gian gần đây lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm các đảo ở Trường Sa từ tay Việt Nam. Hồi giữa tháng 4 vừa rồi, báo Times cũng phản ánh vấn đề này qua bài “Ở Việt Nam: Những mối lo mới về sự xâm lược của Trung Quốc”. Những mối lo này là có thật, nhưng liệu chúng có cơ sở thực tế hay không? Và nếu có thì đến mức nào?

Mối lo ngại này bắt nguồn từ các động thái khiêu khích ngày càng rõ ràng của Trung Quốc trên Biển Đông. Kèm theo đó là các áp lực khác về kinh tế như sự xâm lăng và tràn ngập của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Gần đây nhất là chuyện người Trung Quốc khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên. Từ các áp lực này, người Việt cảm thấy đang bị lấn át và đe dọa.

Thế nhưng nhìn một cách khách quan thì Trung Quốc được lợi gì và mất gì nếu họ đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam? Và vì thế, liệu Trung Quốc có muốn tiến hành một cuộc chiến tranh ở Trường Sa trong tương lai gần?

Với cán cân sức mạnh quân sự, đặc biệt là sức mạnh trên biển, quá trênh lệch như hiện nay, không ai có thể phủ nhận rằng nếu Trung Quốc đánh, họ sẽ chiếm được các đảo và bãi đá này. Vì thế, thôn tính và chiếm hữu là lợi ích đầu tiên.

Một chiến dịch quân sự trên biển chớp nhoáng và đạt được thành công toàn diện sẽ giúp thỏa mãn tinh thần dân tộc và khát vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Vì thế, có thể củng cố tính chính danh của lãnh đạo Trung Quốc cũng như lòng tin của dân chúng vào nhóm này. Đây là lợi ích thứ hai.

Trong những trường hợp Trung Quốc cần củng cố lòng tin của dân chúng hoặc cần sử dụng chủ nghĩa dân tộc để thay đổi sự quan tâm tức thời của dư luận nội bộ thì đây là một lợi ích hết sức quan trọng.

Lợi ích thứ ba là thông qua việc kiểm soát các đảo và bãi đá ở Trường Sa, Trung Quốc có thêm bàn đạp vững chắc trong nỗ lực kiểm soát hoàn toàn Biển Đông bằng quân sự. Điều này đặc biệt quan trọng nếu Trung Quốc muốn đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí dưới đáy biển và không muốn các nước láng giềng tranh phần.

Vì thế, khi giá trị các nguồn tài nguyên này càng lớn (thí dụ do giá dầu thế giới tăng quá cao, hoặc phát hiện ra các trữ lượng lớn dầu trong khu vực này), thì lợi ích này càng nổi bật.

Thứ tư là một thắng lợi chóng vánh sẽ đưa uy tín về quân sự của Trung Quốc lên cao hơn, giúp xây dựng vị thế bá chủ về quân sự của nước này trên thế giới. Đồng thời, nó cũng mang tính răn đe đối với các nước láng giềng khác đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thiệt hại đối với Trung Quốc cũng không nhỏ.

Thứ nhất là về dài hạn, cuộc xâm lược này không thể giúp Trung Quốc chiếm giữ hợp pháp Biển Đông. Lý do là nếu Việt Nam vẫn còn tồn tại với tư cách là một nước thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh và vì thế vùng biển này vẫn luôn trong tình trạng bị tranh chấp.

Mặt khác, ngay cả khi các đảo và bãi đá này được công nhận về mặt pháp lý là thuộc về Trung Quốc thì việc có thể sử dụng chúng để đòi các vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mở rộng hay không cũng vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Thứ hai là nguy cơ phát triển thành chiến tranh toàn diện (trên biển và trên bộ). Nguy cơ về một cuộc chiến tranh biên giới trên bộ với Việt Nam là có. Việc Việt Nam không trả đũa Trung Quốc trên bộ hồi năm 1988 có lẽ sẽ là bằng chứng rằng nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện sẽ không cao.

Tuy nhiên, nếu như vào năm 1988 rất ít người Việt biết về cuộc xâm lăng này thì hiện nay với khả năng thông tin nhanh nhạy, dư luận trong nước chắc chắn sẽ gây sức ép lớn đối với lãnh đạo Việt Nam theo hướng phát động một cuộc chiến trả đũa trên bộ.

Một cuộc chiến tranh biên giới có lẽ sẽ không dẫn tới bất kỳ thắng lợi quân sự đáng kể nào cho Việt Nam. Tuy thế, nó sẽ gây bất ổn và làm tê liệt các hoạt động kinh tế của các tỉnh phía nam của Trung Quốc giáp danh với Việt Nam. Đồng thời nó cũng buộc Trung Quốc phải tiêu tốn một nguồn lực đáng kể về sinh mạng, khí tài và của cải vào một cuộc chiến như vậy. Đây có lẽ là điều Trung Quốc chưa muốn trong ngắn hạn.

Thứ ba là nó không giải quyết triệt để vấn đề đảo và bãi đá trên Biển Đông trừ khi Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm các đảo và bãi đá của Phillipines và Malaysia trong khu vực này. Nguy cơ về khả năng Trung Quốc đánh chiếm nốt các đảo còn lại ở Trường Sa sẽ đẩy các nước này vào thế cụm lại với nhau để chống lại Trung Quốc.

Thứ tư là nó làm nóng lên mối lo ngại của tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc, kể cả Đài Loan. Trung Quốc không chỉ có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Việt Nam, mà còn với hàng loạt các quốc gia khác như Phillipines, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ. Nguy cơ về một cuộc chiến tiềm tàng với Trung Quốc hiếu chiến có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Thứ năm là nó làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Tàu bè khoa lại trong khu vực này sẽ phải tìm các tuyến đường khác an toàn hơn, và vì thế tốn kém hơn về cả tiền bạc và thời gian. Ảnh hưởng của sự gián đoạn này tới kinh tế thế giới như thế nào là một dấu hỏi lớn. Trong ngắn hạn, nó sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đang chỉ mới có một số chỉ dấu hồi phục mong manh.

Cuối cùng, việc duy trì quyền kiểm soát liên tục đối với lãnh hải trong đường chữ U bằng biện pháp quân sự là hết sức tốn kém. Mặc dù Việt Nam mất đảo, nhưng không có nghĩa là Việt Nam không thể tiến hành các cuộc tấn công mang tính quấy rối và làm gián đoạn các hoạt động kinh tế trên biển của Trung Quốc trong khu vực này.

Tóm lại, nếu Trung Quốc đánh, họ sẽ chiếm được các đảo và bãi đá ở Trường Sa từ tay Việt Nam. Trung Quốc sẽ đạt được một số lợi ích nhất định từ một cuộc xâm lược như vậy. Tuy nhiên, các tổn thất mà họ phải gánh chịu là không nhỏ. Tựu trung lại, nguy cơ về một cuộc xâm lăng quân sự trên biển là có, nhưng không lớn, đối với Việt Nam.

Vì vậy, có lẽ Việt Nam không nên thổi phồng nguy cơ này khi định hướng chính sách quốc phòng và ngoại giao. Đương nhiên điều này không có nghĩa Việt Nam không nên từng bước xây dựng khả năng phòng vệ trên biển để đón đầu một cuộc chiến tranh có thể có trên biển.