Người dưới 30 cho rằng người lớn tuổi có những giá trị tốt đẹp hơn

Cách đây 40 năm, giới thanh niên cảnh báo lẫn nhau rằng: Chớ nên tin bất cứ ai trên 30 tuổi! Họ thuộc thế hệ Woodstock, lễ hội âm nhạc đã trở thành biểu tượng cho những thăng trầm về xã hội, văn hóa và chính trị do giới thanh niên chủ động vào cuối thập niên 1960. Ngày nay, chính thế hệ Woodstock này đã trên 30 tuổi nhiều và đang phải ứng phó với một sự cách biệt về thế hệ với giới tuổi đôi mươi, những cách biệt về đạo đức làm việc, về niềm tin tôn giáo và sự chấp nhận sắc tộc. Nhưng theo một cuộc thăm dò mới của Trung tâm Khảo cứu Pew, thì những cách biệt này dường như không quan trọng như trước kia nữa. Thông tín viên VOA Faiza Elmasry có bài viết về đề tài này.

Cuộc thăm dò Pew khảo cứu sự cách biệt về thế hệ, 40 năm sau lễ hội Woodstock.

Ông Paul Taylor, đồng tác giả của cuộc thăm dò này cho biết: “Hơn mọi thứ khác, Woodstock là biểu hiệu của một thời kỳ có rất nhiều xung đột giữa các thế hệ.”

Ông Taylor nói: “Giới trẻ khi đó quảng bá cho một nền văn hóa chống đối: tình dục, ma túy và nhạc rock and roll, để chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam, giải phóng phụ nữ, dân quyền và rất nhiều vấn đề xung đột không dấu diếm.”

Năm 1969, hố cách biệt đó dường như không thể lấp kín được. Nhưng theo ông Taylor thì mỗi một thế hệ được hình thành qua giây phút của thế hệ đó trong lịch sử. Vì thế mà sẽ luôn có những cách biệt giữa các thế hệ, và hố cách biệt sẽ thu ngắn hoặc đào sâu thêm. Sau nhiều thập niên thông cảm giữa các thế hệ, cuộc thăm dò của trung tâm khảo cứu Pew cho thấy rằng khoảng cách biệt đã mở rộng đến kích cỡ của năm 1969.

Ông Taylor nói: “Gần như 8 trong số 10 người Mỹ nghĩ rằng có sự cách biệt rất nghiêm trọng giữa người trẻ và người lớn tuổi về nhiều vấn đề: các giá trị đạo đức, việc sử dụng máy điện toán v kỹ thuật mới, sự tôn trọng người khác, đạo đức lao động, quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo...Và một tỷ lệ rất lớn 7 trên 10 hay hơn nữa cả người già lẫn trẻ đều nói rằng những người lớn tuổi hơn có các giá trị đạo đức tốt hơn. Cũng tương tự như thế đối với vấn đề tôn trọng người khác. Tương tự như thế đối với vấn đề đạo đức lao động, một tỷ lệ rất lớn nói rằng nguòi lớn tuổi hơn có các giá trị tốt đẹp hơn.”

Ông Schultz nói: “Tôi nghĩ rằng gán cho chúng ta là không thích nghi với đạo đức kinh doanh hay không có một tiêu chuẩn đạo đức mạnh về lao động như thế hệ lớn tuổi hơn là điều thực sự bất công.”

Ông Stuart Schultz là sáng lập viên của gradspot.com, một nguồn trên mạng giúp sinh viên chuyển tiếp từ đại học sang thế giới thực ngoài đời. Ông không đồng ý với các kết luận của cuộc thăm dò về thế hệ của ông.

Ông Schultz nhận xét: “Tôi nghĩ chúng tôi chỉ đề cập đến các vấn đề và đề cập đến mọi thứ một cách khác đi. Chúng tôi lớn lên trong một môi trường khác. Chúng tôi quen với việc thông tin liên lạc ngay lập tức và làm nhiều việc khác nhau cùng một lúc. Như thế không phải để nói là nhất thiết phải có sự không tôn trọng. Đó chỉ là vì cách thức chúng tôi quen hành xử. Nói như thế, tôi biết rằng chính tôi và các bạn cùng lứa, khi được giao cho một dự án, thì chúng tôi rất hăng hái muốn làm cho xong, và làm xong đúng cách.”

Lớn lên trong một xã hội đa văn hóa hơn, những người trưởng thàng ngày nay cũng đề cập đến các vấn đề về chủng tộc và sắc tộc khác với cha mẹ ông bà của họ. Ông Paul Taylor nêu ra rằng 55% người trẻ trong cuộc thăm dò nói rằng thế hệ của họ bao dung hơn và dễ chấp nhận người khác hơn, và hơn 1/3 trong tất cả những người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên cũng đồng ý như vậy.

Ông Taylor nói: “Xét về mặt dân số, người Mỹ trẻ ngày nay gồm các thành phần pha trộn chủng tộc và sắc tộc nhiều hơn. Một tỷ lệ lớn những người này là da đen hay gốc châu Mỹ Latinh hoặc Á Châu, so với thế hệ lớn tuổi hơn. Vì thế họ lớn lên trong một thế giới mà sự đa dạng xã hội, thể hiện qua chủng tộc hay sắc tộc, chỉ là một phần của cuộc sống thường nhật của họ, hơn là trường hợp cha mẹ ông bà họ.”

Sự cách biệt lớn nhất về thế hệ do cuộc thăm dò Pew tìm ra là một sự cách biệt về kỹ thuật. Người trẻ không thể hình dung một thế giới không có điện thoại di động và Internet, trong khi những người lớn tuổi cưỡng lại – thậm chí còn hơi sợ hãi – tất cả những dụng cụ điện tử mới.

Trong khi việc sử dụng kỹ thuật đề ra một sự tương phản rõ ràng giữa các thế hệ, thì ý thích về âm nhạc lại đưa các thế hệ lại với nhau.

Ông Paul Taylor nói rằng Rock and Roll là thể loại nhạc được ưa chuộng của mọi nhóm tuổi – trừ người cao niên trên 65 – và mọi người đều thích nhất ban nhạc Beatles. Ban Fab Four được xếp hạng trên các ban nhạc và ngôi sao khác như the Eagles, Johnny Cash, Michael Jackson, Elvis Presley và ban Rolling Stones. Theo ông Taylor, các siêu sao của thập niên này như Kanye West và Carrie Underwood không được ưa chuộng nhiều như thế.

Ông Taylor nói: “Các nhóm lớn tuổi hơn đã có từ lâu hơn. Họ đã có nhiều thời giờ hơn để thu hút những người ái mộ qua nhiều thế hệ. Chúng ta biết họ đã là những nhân vật nổi tiếng. Các nhóm mới hơn thực ra chưa có thời gian nhiều như thế để thu hút khối người ái mộ dài hạn và thuộc nhiều thế hệ. Có thể có một cách giải thích thứ hai. Kỹ nghệ âm nhạc đã thay đổi, và khó tạo được một khối người ái mộ lớn vì tình trạng manh mún trong kỹ nghệ âm nhạc, trong tình hình gân như mọi hình thức thông tin liên lạc cũng đều manh mún như thế.”

Mặc dầu có sự cách biệt rõ ràng về thế hệ ngày nay, ông Taylor nêu ra rằng những cách biệt giữa các thế hệ dường như không quan trọng như cách đây 40 năm.

Ông Taylor nói thêm: “Dùng năm diễn ra sự kiện Woodstock – vào thập niên 1960 – làm điểm để so sánh, thì ta có một nền văn hóa đối kháng với thông điệp gửi cho nền văn hóa dòng chính và các bậc cha mẹ của họ là “Chúng tôi không nghĩ nhiều về cái xã hội mà quí vị đã tạo ra. Chúng tôi nghĩ chúng tôi đã tìm ra một đường lối tốt hơn.” Lớp người trẻ ngày nay thì nói thế này: “Chúng tôi có thể nhìn thế giới một cách khác, chúng tôi có thể sử dụng máy điện toán một cách khác, chúng tôi có thể có các thói quen và giá trị khác, và quý vị có biết không, chúng tôi không chắc rằng các thói quen và giá trị của chúng tôi có tốt hơn hay không, và thực ra, các thói quen và giá trị của quý vị có thể tốt hơn.”

Nhận xét đó làm hài lòng ông Rob Schwartzwalder, thuộc Hội đồng Khảo cứu Gia đình, là tổ chức quảng bá cho điều mà tổ chức này coi là các giá trị gia đình cổ truyền. Ông nói sự cách biệt thế hệ hiện nay không giống chút nào so với sự cách biệt mà ông nhớ hồi thập niên 60.

Ông Schwartzwalder nhận định: “Ngày nay, chúng ta không thấy người ta gây bạo động ngoài đường phố. Ta không thấy sự tuyên dương vă nhóa dùng ma túy. Ta không thấy một số cách hành xử ta đã thấy hồi đó. Ta không thấy những vụ bạo động ngoài đường phố để phản đối một cuộc chiến tranh không được lòng dân như đã có thời ta thấy. Đó là tất cả những điều ta có thể lấy làm biết ơn, các hành động gây náo loạn xã hội đau lòng và công khai dường như đã đi vào quá khứ. Tôi 51 tuổi, và có 3 đứa con và rất nhiều cháu trai cháu gái. Tôi có cảm tưởng là không có ai trong chúng ta thực sự khác nhau đến thế.”

Có lẽ sự khác biệt quan trọng nhất phản ánh trong cuộc thăm dò Pew là các thế hệ ngày nay không coi các cách biệt là nguồn gây xung đột, và căng thẳng giữa các thế hệ dường như đã dịu bớt đáng kể trong những thập niên gần đây.