Tranh chấp Biển Ðông: Việt Nam phải dựa vào chính mình

Ngày 18 tháng 8, hai tờ báo lớn là Tuổi Trẻ và Thanh Niên ở Việt Nam đã cho đăng một bài viết của một người lấy tên Quốc Pháp, phản bác chủ trương của Trung quốc về 'đường lưỡi bò' ở Biển Đông. Phái viên của hãng thông tấn Đức cho rằng việc cho đăng bài viết này là dấu hiệu chứng tỏ rằng Việt Nam “cứng rắn hơn” trong vụ tranh chấp với Trung Quốc. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với Tiến Sĩ Hoàng Việt, Giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ chí Minh và là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, và được ông cho biết một số ý kiến như sau.

Tiến sĩ Hoàng Việt: Sự kiện ngày 18 tháng 8 hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh niên có đăng một bài báo khá dài, nội dung là phản đối 'đường lưỡi bò' do Trung Quốc yêu sách, bài này của một học giả Việt Nam với bút danh Quốc Pháp. Đây là một bài viết chặt chẽ, lập luận tốt.

Đã có nhiều người suy luận về sự kiện này, ví dụ như trên trang mạng X-cafevn.org hay trang bauxitevn.info, những suy luận này tương tự như quan điểm của hãng thông tấn Đức mà ông có hỏi tôi.

Suy luận là quyền của mọi người, cá nhân tôi cho rằng, với hàng loạt sự kiện liên quan đến biển Đông từ trước tới nay, lập trường của chính quyền Việt Nam về vấn đề này gần như không có gì đổi khác. Qua tất cả các văn bản chính thức của Nhà nước, thì Việt Nam thì luôn khẳng định chủ quyền của họ trên vùng biển Đông, theo những quy định của luật pháp quốc tế có liên quan.

VOA: Việc này diễn ra trùng hợp với chuyến thăm Việt Nam của thượng nghị sĩ Jim Webb của Mỹ, người mới đây đã kêu gọi chính phủ Mỹ chủ động hoặc tích cực hơn để bảo vệ quyền lợi của Hoa kỳ ở Biển Đông. Phải chăng đây là một động thái của Hà Nội để chứng tỏ với Washington rằng 'chúng tôi không tiếp tục giữ thái độ nhân nhượng với Trung Quốc', sau khi đã bị nhiều người chỉ trích là 'ươn hèn' trước áp lực của Bắc Kinh? ('Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen', như nhà báo Huy Đức đã nói.)

Tiến sĩ Hoàng Việt: Nếu cho rằng chính phủ Việt Nam nhân dịp này để nói với Hoa Kỳ rằng 'chúng tôi không tiếp tục giữ thái độ nhân nhượng với Trung Quốc' sau khi bị dư luận chỉ trích thì tôi thấy điều này không có cơ sở. Bởi quan trọng là phải hiểu nếu Hà Nội muốn nói điều đó với Hoa Kỳ thì với mục đích để làm gì? Chắc sẽ có người lên tiếng là Việt Nam nên kéo Mỹ vào để làm đối trọng với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biển Đông? Mọi việc không đơn giản đến thế.

Philippines cũng là một quốc gia trong cuộc tranh chấp biển Đông, Philippines là đồng minh thân cận của Mỹ từ lâu, Philippines cũng muốn kéo Mỹ vào trong cuộc tranh chấp nhưng Mỹ đã trả lời dứt khoát là Mỹ không can thiệp tới tranh chấp biển Đông. Philiipines mà còn chưa làm được mà Việt Nam kéo được Mỹ vào ư? Nếu không kéo Mỹ vào được thì Việt Nam nói điều đó với Hoa Kỳ để làm gì?

Tôi không nghĩ chính phủ Việt Nam ngây thơ đến thế. Tôi chỉ cho rằng là cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều có một mục tiêu chung, bởi vì cả hai cùng có lợi trong vấn đề này, đó là giữ ổn định, hòa bình và phát triển trong vùng biển này. Vì thế, cả Việt Nam và Hoa Kỳ nên cùng nhau thực hiện vấn đề này.

Tôi không bình luận về việc chính phủ Việt Nam 'ươn hèn' hoặc 'anh hùng' trong vấn đề này. Thế nhưng ông có thể đọc những bài báo của Trung Quốc ví dụ như Minh Báo, Đại Công báo thì sẽ thấy họ nói về chính quyền Việt Nam với giọng điệu khác. Họ luôn cho rằng Việt Nam 'nói ít làm nhiều', 'Việt Nam hung hăng, hiếu chiến', và đặc biệt, trong các quốc gia tham gia trong cuộc tranh chấp này, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là đối thủ 'hung hăng, nguy hiểm' nhất.

Chúng ta có thể coi những động thái của Việt Nam như trong việc hiện đại hóa quân sự hay nộp hồ sơ chung về ranh giới ngoài thềm lục địa...là thể hiện cách suy nghĩ và thực hiện suy nghĩ của họ. Chắc có lẽ, vấn đề là Việt Nam phải hiểu họ có thể làm được những gì để thực hiện chính sách của mình.

VOA: Một số người đề nghị rằng Việt Nam nên nhân lúc giữ chức hội viên Hội đồng Bảo an để đưa vấn đề Biển Đông ra trước Liên hiệp quốc, hy vọng điều này sẽ tạo áp lực lên Trung quốc và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với lập trường của Việt Nam về Biển Đông. Ông nghĩ sao về đề nghị này?

Tiến sĩ Hoàng Việt: Đây cũng là ý kiến của nhiều người, trong số đó có cô AilienTran trên một bài viết tại vietnamnet, hoặc ý kiến của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trên RFI. Thực ra quá trình đấu tranh của Việt Nam trong cuộc tranh chấp biển Đông phải luôn luôn thực hiện, đợi tới Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HÐBA) mới đưa ra thì không đơn giản chút nào. Ông cũng biết là thủ tục nghị trình tại HĐBA không đơn giản chút nào, có rất nhiều nghị quyết được đưa ra tại HĐBA mà không dễ dàng đồng thuận, chưa kể đến các nước thành viên thường trực (trong đó có Trung Quốc) có quyền lực rất lớn, họ có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của HĐBA. Cho nên Việt Nam đưa ra vấn đề ở HĐBA có khi chẳng được tác dụng gì mà lại có thể phản tác dụng, vì thế phải nên thận trọng.

Rồi còn có người cho rằng, nhân dịp sắp tới Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN nên nhân cơ hội này mà đưa ra để gây sức ép với Trung Quốc. Điều này khó làm lắm. Bầu anh lên làm chủ tịch để anh lo cho toàn thể khu vực mà anh cứ chăm chăm làm công việc riêng thì liệu anh có còn uy tín trong quốc tế hay không?

Theo ý kiến của tôi thì, để thành công trong cuộc tranh chấp khó khăn này, Việt Nam một mặt phải dựa vào nội lực của chính mình, đừng ảo tưởng về việc dựa vào một ai đó để chống lại một người khác. Không thể chiến thắng nếu mình yếu về nội lực. Mà nội lực thế nào là mạnh? đó là sức mạnh kinh tế, sức mạnh tri thức (trong đó giáo dục là hàng đầu), sức mạnh khoa học công nghệ, rồi sự đồng thuận của toàn xã hội. Lịch sử Việt Nam cho thấy những lúc nội bộ Việt Nam lủng củng, bất hòa là lúc đó dễ bị xâm lược nhất.

Mặt khác, bên cạnh dựa vào nội lực, Việt Nam phải tranh thủ sức mạnh thời đại. Mà sức mạnh thời đại trong cuộc tranh chấp này chính là dựa vào luật pháp quốc tế. Trung Quốc với sức mạnh của họ, họ phớt lờ, thậm chí còn muốn sửa luật quốc tế theo ý của họ. Nhưng nếu mọi việc đều có thể xảy ra theo ý họ thì có lẽ đã không còn công lý quốc tế. Về mặt này thì Việt Nam có nhiều thế mạnh, đặc biệt Việt Nam có các bằng chứng lịch sử, có cơ sở pháp lý trong việc khẳng định chủ quyền của họ trên vùng biển này, tuy nhiên thế mạnh này vẫn chưa được Việt Nam thông đạt cho quốc tế hiểu đúng.