Hàng triệu người dân Afghanistan đã đi bỏ phiếu bất chấp những lời hăm dọa của Taliban tấn công vào các trạm bỏ phiếu và trả thù cử tri. Tính hợp pháp của cuộc bầu cử tùy thuộc vào số cử tri đi bầu đủ đông và mức độ mua phiếu, số cử tri ma và các hành động gian lận bầu cử khác. Từ Kabul, thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật rằng cuộc bầu cử diễn ra giữa những vụ nổ lẻ tẻ tại thủ đô và những nơi khác trong nước.
Người ta dự đoán, và thậm chí trông đợi, sẽ xảy ra các vụ bạo động từ phía các phần tử chống chính phủ.
Vì thế, đối với 17 triệu cử tri đã đăng ký, lựa chọn lớn nhất vào ngày bầu cử có thể là liệu có chấp nhận các rủi ro đến tính mạng để thực thi quyền dân chủ của mình, hay là chọn giải pháp chắc ăn là ở nhà.
Ông Amir Khan, cử tri đi bỏ phiếu tại một ngôi đền Hồi giáo ở Kabul, nói rằng những lời hăm dọa của Taliban phá hoại cuộc bầu cử và chặt ngón tay các cử tri đã không làm ông sờn lòng.
Ông Khan nói rằng ông không sợ hãi chút nào, bởi vì chính phủ kiểm soát tốt an ninh và vì thế không có lý do nào phải sợ Taliban.
Tại một số trạm bầu cử ở Kabul, người ta thấy rất ít người xếp hàng. Ở một vài khu vực nông thôn nằm dưới sự kiểm soát của các phần tử nổi dậy, các trung tâm bầu cử không mở cửa được bất kể sự cố gắng hết sức về an ninh của hàng trăm ngàn binh sĩ và cảnh sát Afghanistan, được yểm trợ bởi hàng chục ngàn binh sĩ nước ngoài.
Mặt khác, còn có sự hiện diện của hàng ngàn thanh tra và quan sát viên trong nước cũng như quốc tế.
Cựu dân biểu Hoa Kỳ, ông Jim Moody đã đi tham quan các địa điểm bầu cử ở Kabul trong tư cách một quan sát viên cho tổ chức Dân chủ Quốc tế. Ông nói với đài VOA rằng những gì ông chứng kiến trông có vẻ “rất êm thắm và trật tự.”
Ông Moody nói: “Không có cuộc bầu cử nào là hoàn hảo, kể cả ở Hoa Kỳ. Chúng ta cũng đã có những vấn đề của chúng ta. Xét vì nước này còn ở trong tình trạng chiến tranh, có xung đột lớn trong nước, tôi cho rằng chúng ta thực sự phải khen ngợi dân chúng Afghanistan và các giới hữu trách Afghanistan.”
Anh sinh viên Ramin Karimi nói rằng anh đã thực thi quyết định của mình, dựa trên cơ sở ứng cử viên nào có thể mang lại hòa bình cho đất nước.
Anh Karimi nói với đài VOA rằng anh muốn có một vị tổng thống sẽ chấm dứt chiến tranh, phục vụ tốt và cứu vớt Afghanistan ra khỏi tình trạng hiện thời.
Có rất ít phần chắc là sẽ có người tuyên bố rằng cuộc bầu cử là “tự do và công bằng” theo các tiêu chuẩn của một nền dân chủ trưởng thành Tây phương. Liên hiệp quốc và các tổ chức khác hy vọng các nhóm quan sát viên Afghanistan và quốc tế sẽ chỉ thừa nhận rằng đó là một cuộc bầu cử “khả tín” đối với một nền dân chủ non trẻ thuộc Thế giới thứ ba đang phải chật vật chống lại một cuộc nổi dậy, và hy vọng rằng kết quả bầu cử sẽ được các bên tham dự chính chấp nhận.
Phe Taliban đã xác định rõ phán quyết của họ – đó là bỏ phiếu “Không” chấp nhận một nền dân chủ, qua các hành động hăm dọa và bạo động của họ.