TNS Webb: Biển Đông không đơn giản chỉ là đối trọng hải quân

Thượng nghị sĩ Jim Webb của Mỹ đã kết thúc chuyến thăm kéo dài hai tuần đến năm nước Đông Nam Á bằng một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Tư. Tại đây, ông một lần nữa nhấn mạnh tới vị thế của khu vực và vai trò của Hoa Kỳ trong việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc tại đây. Giới quan sát từng nhận định rằng chuyến công du của vị Thượng nghị sĩ với vai trò Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ 'rất đáng chú ý' trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á cũng như củng cố tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Mời quý vị theo dõi bài tường thuật của Nguyễn Trung, phóng viên Ban Việt Ngữ, Đài VOA.

Phát biểu mở đầu cuộc họp báo kéo dài khoảng 30 phút, Thượng nghị sĩ Jim Webb đánh giá rằng hiện giờ là 'thời điểm tốt đẹp để phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam' cho dù hai nước đã có một 'quá khứ sóng gió'.

Nghị sĩ thuộc phe Dân chủ cũng cho rằng mỗi nước có lịch sử khác nhau, và chuyến công du của ông nhằm lắng nghe, trao đổi với các nhà lãnh đạo để chuyển thông điệp rằng 'Mỹ muốn gia tăng quan hệ'.

Ông nói: 'Chuyến thăm của tôi nhằm mục đích khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với nước Mỹ và cũng như bảo đảm, khẳng định với các nhà lãnh đạo và nhân dân khu vực này về tầm quan trọng của họ đối với nước Mỹ'.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, nói với Ban Việt ngữ Đài VOA rằng chuyến đi của ông Webb tới Việt Nam 'rất đáng chú ý' trong thời điểm hiện nay khi mối quan hệ giữa Hà Nội - Washington đang được cải thiện và nhất là ông Webb đang nắm giữ vị trí quan trọng là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ.

Ông Thayer nhận định: 'Mới đây ông Webb cũng chủ tọa phiên điều trần về tình hình ở Biển Đông ở Washington. Thế nên, tôi nghĩ rằng tất cả đều đổ dồn lắng nghe xem ông ấy sẽ phát biểu những gì khi tới thăm Việt Nam'.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, vị Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Virginia cũng dành một phần thời gian để nói về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trên bình diện rộng, bao gồm cả vấn đề tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông và vai trò của Hoa Kỳ.

Ông Webb cho rằng tình hình ở biển Đông 'không đơn giản chỉ là vấn đề hải quân nước này đối trọng với nước khác', mà là 'sự cần thiết của Hoa Kỳ trong việc cân bằng sức mạnh của các nước trong khu vực'.

Vị Thượng nghị sĩ nói: 'Tôi đã nêu vấn đề này trong nhiều cuộc gặp và trong cả chuyến đi này. Điểm quan trọng nhất là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng với các cường quốc đang trỗi dậy. Tôi tin rằng điều đó có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, lẫn ngoại giao đối với các nước như Hoa Kỳ cũng như các nước có liên quan như Việt Nam. Washington sẵn sàng trở thành một sức mạnh cân bằng với Trung Quốc ở khu vực'.

Hồi tháng Bảy, tại phiên điều trần đầu tiên về 'Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Đông Á' ở Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng từng nói rằng Bắc Kinh 'không chỉ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị mà còn tìm cách mở rộng cả lãnh thổ, và 'tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đang trực tiếp hỗ trợ mục tiêu đó'.

Tại Hà Nội hôm thứ Tư, ông Web một lần nữa cho rằng Hoa Kỳ cần phải có hành động cụ thể hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực Đông Nam Á, nhưng 'không phải bằng quân sự mà bằng các biện pháp ngoại giao và vị thế của Hoa Kỳ'.

Nhà phân tích chính trị Carl Thayer nhận định rằng trong năm nước mà ông Webb công du tới, Việt Nam rõ ràng quan tâm tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông nhất.

Chuyên gia về Việt Nam nói: 'Hà Nội luôn mong muốn Hoa Kỳ làm điều gì đó với Trung Quốc – những hành động mà Việt Nam muốn làm nhưng chỉ có Hoa kỳ mới có đủ khả năng. Việt Nam sẽ luôn tìm cách củng cố quan điểm là Hoa Kỳ nên can dự một cách chiến lược về vấn đề này, nên giáp mặt với Trung Quốc' .

Hiện chưa có thông báo về nội dung của các cuộc thảo luận giữa ông Webb và giới chức Việt Nam, nhưng ông Carl Thayer nhận định rằng ngoài vấn đề Biển Đông, vị Thượng nghị sĩ cũng 'xem xét tới các lợi ích thương mại của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng như vấn đề tôn giáo'.

Ông Thayer nói: 'Trước tình hình căng thẳng liên quan tới các cuộc phản đối của các tín đồ Công giáo ở miền Trung Việt Nam, tôi nghĩ ông Webb cũng muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra ở đó. Rồi chuyện bắt giữ luật sư Lê Công Định và những người bất đồng chính kiến thúc đẩy dân chủ thời gian qua. Nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ tìm các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ và xem quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là gì'.

Liên quan tới vấn đề tù nhân ở Việt Nam, Thượng nghị sĩ Jim Webb cho các phóng viên biết rằng trong chuyến đi lần này tới Việt Nam, ông 'không thảo luận về chuyện thúc giục Việt Nam phóng thích tù nhân', và cho biết rằng "cuộc thảo luận với Việt Nam về vấn đề chính trị đã, đang và sẽ tiếp diễn."

Trong chuyến công du năm nước Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, ông Webb đã tới cũng tới Thái Lan, Lào, Campuchia, và đặc biệt là Miến Điện nơi ông đã thuyết phục được chính quyền quân nhân nước này thả công dân Mỹ John Yettaw, người bị tuyên án bảy năm tù giam vì đã bơi qua hồ để vào nhà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Ông Webb cũng là thành viên quốc hội Mỹ đầu tiên hội kiến với Tướng Than Shwe của Miến Điện cũng như đã được phép gặp bà Aung San Suu Kyi.

Chuyên gia phân tích chính trị Carl Thayer cho rằng những gì Thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Virginia đạt được ở Miến Điện sẽ 'đối trọng lại quan điểm của phía Việt Nam về việc không ủng hộ chuyện phóng thích bà Aung San Suu Kyi vì Hà Nội rõ ràng không muốn bị hiệu ứng ngược trong vấn đề Miến Điện'.