Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố một ủy ban lưỡng quốc giữa Hoa Kỳ và Nigeria sẽ tăng cường các cải cách dân chủ và hợp tác quân sự. Thông tín viên VOA Scott Stearns tại Tây Phi ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Clinton cho biết ủy ban lưỡng quốc sẽ làm việc ở cả cấp liên bang lẫn tiểu bang để phát triển thêm điều bà nói là một mối quan hệ vốn đã vững mạnh.
Bà Clinton nói: “Hoa Kỳ coi Nigeria như một người bạn, một đồng minh, và một đối tác về nhiều vấn đề quan trọng, cũng như một quốc gia quan trọng ở châu Phi đang ngày càng hòa nhập với toàn cầu.”
Ngoại trưởng Clinton ca ngợi Nigeria đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện tình trạng mua bán người qua một cam kết có liên quan của chính phủ do Tổng thống Umaru Yar’Adua lãnh đạo. Bà nói lực lượng gìn giữ hòa bình Nigeria được cả thế giới coi là nằm trong số những lực lượng ưu tú nhất, và Washington công nhận và tán dương gánh nặng đặt lai vai Nigeria phải tiếp tục tích cực hoạt động trong việc giải quyết xung đột.
Bà Clinton nói tiếp: “Không có Nigeria, có thể Liberia sẽ không là một nước tự do. Sierra Leone có thể đã không chấm dứt được mấy chục năm nội chiến. Đó là vai trò mà Nigeria đang đóng ở Sudan. Vị chỉ huy mới đây của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Sudan, đương nhiên là một người Nigeria. Về rất nhiều vấn đề quan trọng, Nigeria mở tầm tay với ra lục địa Phi châu để cung cấp sự trợ giúp về kỹ thuật và cố vấn. Và Nigeria đặc biệt tích cực hoạt động về các vấn đề quốc tế và khu vực thiết yếu, từ Zimbabwe cho đến Niger và lên tiếng cực lực phản đối các vụ đảo chính ỏ Mauritania và Guinea.”
Bà Clinton nói ủy ban lưỡng quốc mới sẽ tăng cường sự hợp tác vốn đã vững mạnh giữa các quốc gia trong công cuộc chống khủng bố và buôn lậu ma túy. Trong chuyến thăm của bà, Ngoại trưởng Clinton cho biết các giới chức quốc phòng của Nigeria đã đưa ra các đề nghị cụ thể đầy hứa hẹn về phương cách mà quân đội Hoa Kỳ có thể giúp đem lại sự ổn định cho vùng châu thổ sông Niger giàu tài nguyên dầu khí.
Bà Clinton cho biết: “Chúng tôi đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn về an ninh hàng hải trong vùng Vịnh Guinea – một trong những nơi nguy hiểm và trọng yếu nhất vì sự phối hợp giữa các phong trào nổi dậy, những tay buôn lậu ma túy, những kẻ lưu hành súng ống, và các phần tử tội phạm khác.”
Ngọai trưởng Clinton nói rằng chính quyền Obama thừa nhận các thách thức gay go mà Nigeria đang phải đối phó, trong đó có vấn đề pháp trị và tham nhũng. Bà nói ủy ban lưỡng quốc sẽ giúp hỗ trợ cho chương trình làm việc của Tổng thống Yar’Adua nhằm cải cách bầu cử qua việc khích lệ sự thành lập một hội đồng bầu cử độc lập.
Bà Clinton nói thêm: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích các nỗ lực của chính phủ Nigeria nhằm tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu tình trạng tham nhũng, cung cấp sự hỗ trợ cho các tiến trình dân chủ để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào năm 2011.”
Ngoại trưởng Nigeria, ông Ojo Maduekwe, nói rằng ủy ban lưỡng quốc là một cơ hội để cả hai nước theo đuổi các mục tiêu chung.
Ông Maduekwe nói: “Có sự đồng thuận trong cả nước hậu thuẫn mạnh mẽ cho các vấn đề tăng cường dân chủ, cam kết chặt chẽ với pháp trị, cải tổ bầu cử. Như tôi đã trình với bà Ngoại trưởng, nếu có bất cứ sự thiếu sót nào giữa các cam kết đó về mặt lời hứa và thành tích, thì các thiếu sót đó có thể được giải quyết trong khuôn khổ xây dựng khả năng quốc gia vốn đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì những lý do lịch sử hiển nhiên. Và đó chính là lý do vì sao ủy ban lưỡng quốc mang tính chất sách lược vô cùng to lớn.”
Năm nay, Nigeria đánh dấu 10 năm cai trị dân sự, chấm dứt các chính phủ quân nhân què quặt của Tướng Sani Abacha và Tướng Ibrahim Babangida.