TQ mua nguyên vật liệu thô để sản xuất hay đầu cơ? 

Gần đây có nhiều người hi vọng tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ kéo cả thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Niềm tin này một phần dựa trên sức mua lớn từ Trung Quốc đối với hàng hóa thuộc nhóm nguyên vật liệu thô.

Sức cầu lớn này được các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới nhìn nhận như là dấu hiệu khả tín của nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh trở lại.

Thế nhưng theo Andy Xie, một chuyên gia phân tích kinh tế có tiếng trên thế giới, thì nhập khẩu nguyên vật liệu thô của Trung Quốc chủ yếu là để đầu cơ.

Vì vay nợ ngân hàng ở Trung Quốc gần đây rất dễ dàng và lãi suất cũng thấp nên nhiều người Trung Quốc đã sử dụng tiền vay ngân hàng để đầu cơ các mặt hàng này.

Andy Xi echo biết vay nợ ngân hàng ở Trung Quốc đã vượt qua 6 ngàn tỉ nhân dân tệ tính từ tháng 12 năm ngoái.

Khoảng một phần ba số tiền vay này được dùng để đầu cơ vào bất động sản và nguyên liệu thô. Nhiều người ở Trung Quốc kể cả các quan chức chính phủ, nghĩ rằng việc đầu cơ này sẽ tạo ra hiệu ứng của cải – tức là làm cho người dân Trung Quốc cảm thấy mình giàu lên do giá cả các tài sản mà họ giữ tăng lên- sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong ngắn hạn và hoàn toàn không bền vững.

Lý do là hoạt động đầu cơ của Trung Quốc đã đẩy mức giá các mặt hàng này lên cao hơn nhiều so với tình trạng yếu kém chung của kinh tế thế giới. Điều này gây thêm khó khăn cho các nhà sản xuất cần sử dụng nguyên vật liệu thô, vì thế gây thêm khó khăn xuất khẩu của Trung Quốc.

Thêm vào đó, Andy Xie cũng cho rằng việc vay tiền để đầu cơ tất yếu sẽ dẫn tới lạm phát leo thang. Andy Xie cho rằng việc Trung Quốc cho vay để đầu cơ là một hành động tự làm hại chính họ.

Có vẻ như giới chức Trung Quốc cũng bắt đầu nhận thức được điều này. Báo The Sydney Morning Herald hồi cuối tháng 7 trích lời Zhang Bin - một kinh tế gia trong Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc- cho biết Beijing đang ngả dần theo hướng chống lại các họat động đầu cơ nguyên liệu thô.

Theo Zhang, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách (National Development and Reform Commission) đang tìm cách làm giảm áp lực về giá nguyên liệu thô.

Ủy ban này không khuyến khích sản xuất quá mức trong lĩnh vực công nghiệp nặng và đang tìm cách giảm bớt việc xây dựng quá nhiều công xuất dư thừa ở Trung Quốc.

Ông này cũng cho rằng tăng dự trữ nguyên liệu thô quá nhiều không có lợi vì nền kinh tế Trung Quốc còn yếu và không có khả năng tiêu hóa mức nhập khẩu nguyên liệu thô quá nhiều như hiện nay.