Công ty Lemna trong bang Minnesota của Hoa Kỳ do một công dân Mỹ gốc Việt làm Tổng giám đốc sắp sửa giải quyết được phần nào vấn đề xử lý rác tại thành phố HCM, như quý vị sẽ nghe trong câu chuyện sau đây.
Từ mấy chục năm qua, Việt Nam có nhiều kế hoạch để tái chế những thứ rác mà người dân thải ra hằng ngày, nhưng cho đến giờ này, rác chỉ được giải quyết bằng cách mang đi chôn lấp, một việc làm có hại cho môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai.
Thành phố HCM hàng ngày chôn lấp cả 5-6 ngàn tấn rác nhưng vẫn chưa có đủ nhà máy để xử lý giống như nhiều thành phố khác tại Đông Nam Á.
Nhu cầu về xử lý rác của thành phố này đã được đáp ứng bởi Lemna, một công ty có trụ sở tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota của Hoa Kỳ.
Lemna được ông Ngô Việt, một người gốc Huế, thành lập trên 20 năm qua. Từ đó đến nay, Lemna đã thực hiện trên 300 dự án cơ sở hạ tầng như môi trường, điện lực tại hơn 20 quốc gia. Những lúc cao điểm, Lemna sử dụng mấy ngàn nhân viên, nhưng bình thường thì khoảng 5 đến 600 nhân viên.
Trải qua bảy tám năm điều đình và đàm phán giữa Lemna và chính quyền thành phố HCM, cuối cùng nhà máy xử lý rác rộng gần 2 hecta đã được khởi công vào đầu năm ngoái ở huyện Củ Chi.
Ông Việt cho biết tại sao thời gian chuẩn bị kéo dài lâu đến thế:
“Ở Việt Nam họ không có kinh nghiệm về cái đó cho nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hai khó khăn lớn nhất là thứ nhất, khó khăn về thủ tục hành chánh rườm rà. Thứ nhì là tài chánh, nhất là đây là một dự án lớn. Rất may chúng tôi đã vượt qua được các khó khăn đó. So với những nước khác, dự án đó làm hơi lâu một tí, vì coi như hai bên cùng học hỏi lẫn nhau nên hơi lâu. Tôi nghĩ những bước tiếp chắc nhanh hơn”.
Ông Việt cho biết sau khi nhà máy bắt đầu hoạt động thì rác rưới của thành phố HCM khi được đưa đến nhà máy của Lemna sẽ được xử lý theo quy trình sau đây:
“Nói tổng quát, cái quan trọng nhất của công nghệ chúng tôi là khi rác được mang vào, nó lập tức được phân loại rất kỹ. Thành phần rác được chia thành từng khu một. Ví dụ nhựa hay plastic thì đi về phía plastic, sẽ có những loại máy tân tiến để tái chế plastic. Thành phần hữu cơ sẽ đi qua một phía khác, được chế thành phân bón hữu cơ, nông dân có thể dùng được. Những thành phần khác như chai, thủy tinh, sắt thì qua chỗ khác. Nhà máy này sẽ là một trong những nhà máy tân tiến nhất thế giới”.
Lemna không phải là công ty đầu tiên xây nhà máy xử lý rác tại Việt Nam. Trước đó đã có một số công ty làm chuyện này, nhưng ở mức nhỏ.
Nếu mọi chuyện được tiến hành trôi chảy, trong tương lai nhà máy của Lemna ở Củ Chi sẽ còn phát triển thêm nữa:
“Giai đoạn đầu, chúng tôi ký hớp đồng với thành phố để xử lý 1.200 tấn một ngày. Số đầu tư đã được duyệt và đã bỏ ra là gần 55 triệu đôla. Chúng tôi hy vọng nếu dự án thành công thì bên thành phố sẽ giao cho chúng tôi nhiều hơn, vì thành phố bây giờ có đến năm sáu ngàn tấn rác, thì hy vọng dự án này có thể tăng thêm đầu tư đến hơn 100 triệu đôla”.
Nhà máy đang xây ở Củ Chi được đặt dưới sự trông coi của bà Poldi Ngô, bà xã của ông Việt từ 29 năm qua. Bà đã có mặt từ mấy năm qua tại Việt Nam trong tư cách là một trong những đối tác của Lemna, và là Tổng Quản lý nhà máy ở Củ Chi. Bà cho biết phân bón do nhà máy Củ Chi sản xuất sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm nhiều chục triệu đôla mỗi năm.
Trong lúc bà Poldi Ngô làm việc tại Việt Nam thì ông Việt, một kỹ sư tốt nghiệp Thạc sĩ môi trường tại bang Minnesota, đang trông coi một số dự án tại Nigeria, và ông đã trả lời các câu hỏi của ban Việt ngữ từ đất nước châu Phi xa xôi này:
“Nigeria là một trong những nơi chúng tôi hoạt động rất tích cực. Hiện nay chúng tôi đang hoàn tất dự án về ép khí (gas compression) để biến khí đốt thành điện năng mà không ô nhiễm môi trường. Dự án này xấp xỉ gần 200 triệu đôla. Các dự án còn lại tại Nigeria gồm có xây cất đường xá, nhà cửa cho các đô thị. chúng tôi cũng vừa xây xong một trường học cho các trẻ em nước này đến học với ước mong là sau khi xong, các em có thể sang Hoa Kỳ hoặc Canada để học tiếp lên đại học”.
Vào tháng 9 sắp tới, nhà máy ở Củ Chi sẽ bước vào hoạt động, và qua đến năm 2011 sẽ mang lại việc làm cho khoảng 600 người.
Mời quý vị theo dõi toàn câu chuyện nơi đường dẫn bên phải.