Trong khi những vụ khai bảo hộ phá sản của các đại công ty General Motors và Chrysler thu hút sự chú tâm của dự luận trên toàn thế giới, hơn một triệu người Mỹ cũng đã nộp đơn cho các tòa án để khai phá sản năm vừa qua. Thông tín viên Mederith Hegg của đài VOA có bài tường thuật sau đây về việc ngày càng có nhiều người Mỹ tìm kiếm tới sự trợ giúp của thủ tục khai phá sản để có thể 'làm lại cuộc đời tài chánh'.
Vụ khủng hoảng kinh tế hiện nay đã khiến nhiều người ở Mỹ phải xem xét tới việc áp dụng những biện pháp mà họ chưa từng nghĩ tới. Một phụ nữ mà chúng tôi tạm gọi là bà Mary đã quyết định khai phá sản sau khi thu nhập bị sút giảm mạnh vì tình hình kinh tế khó khăn.
Bà Mary cho biết: "Nếu công ăn việc làm của tôi trở lại bình thường thì tôi đã có thể lo liệu được vấn đề tiền bạc. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Khai phá sản là chuyện chẳng đặng đừng. Chắc chắn là tôi không bao giờ muốn làm chuyện này nếu tôi có một sự chọn lựa khác."
Bà Mary đã nộp đơn cho tòa án để khai phá sản. Luật sư Henry Sommer giải thích như sau về thủ tục này.
Ông Sommer nói: "Họ phải nộp rất nhiều giấy tờ để cung cấp những thông tin về tài sản, nợ nần, thu nhập và những thông tin khác về tài chánh của họ trong quá khứ. Họ được phép giữ lại một phần nào đó trong số tài sản của họ và phần còn lại được chia cho các chủ nợ. Và để đổi lại, họ được xóa hầu hết các khoản nợ."
Tuy có sự chê bai dè bỉu trong xã hội đối với những người khai phá sản, số người tiêu thụ trải qua thủ tục này trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 37% so với năm ngoái.
Thủ tục khai phá sản đã được áp dụng ở nước Mỹ từ thời xa xưa và theo lời luật sư Sommer, thủ tục này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống kinh tế Hoa kỳ.
Luật sư Sommer nói tiếp: "Khai phá sản đã là một bộ phận của luật pháp Hoa kỳ từ rất lâu vì nước Mỹ tin tưởng vào thị trường tự do. Mọi người đều sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp chấp nhận rủi ro để thử nghiệm và bắt đầu làm ăn mua bán, nhưng chúng tôi không muốn dân chúng phải mang trên vai gánh nặng nợ nần cả đời nếu công việc kinh doanh của họ bị thất bại."
Viện Truyền bá Kiến thức Tài chánh (The Institute for Financial Literacy) đã công bố một bản phúc trình về thống kê phá sản trong năm 2008, là năm trọn năm đầu tiên của vụ suy thoái. Người sáng lập Viện Truyền bá Kiến thức Tài chánh, bà Leslie Linfield, cho biết có sự thay đổi về thành phần dân số học của khối người khai phá sản trong năm ngoái.
Bà Linfield cho biết: "Khi quí vị nhìn thấy những người có mức thu nhập cao, có trình độ học vấn cao, những người có gia đình, những người hành nghề tự do; mà những người này lại tìm kiếm sự bảo hộ phá sản nhiều hơn so với năm ngoái; quí vị sẽ biết ngay là tầng lớp trung lưu đang bị tác động mạnh."
Tuy có xu thế như vậy, luật sư Sommer nói rằng hầu hết những người khai phá sản không phải là người giàu có.
Ông Sommer nhận định: "Nói chung thì đại đa số những người khai phá sản là thuộc tầng lớp thấp của giai cấp trung lưu, những người làm việc với mức lương thấp. Họ là những người có mức thu nhập không cao."
Ông Sommer cũng cho biết tuy yếu tố chính của việc khai phá sản là nợ nần quá nhiều, nhưng việc này thường bùng ra vì 3 vấn đề.
Ông Sommer cho biết thêm: "Những vấn đề về sức khỏe, ly dị, hoặc thất nghiệp. Và vì họ không có tiền tiết kiệm nên những vấn đề này trở thành những vấn đề lớn."
Chuyên gia tài chánh Leslie Linfield nói rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải chú tâm tới sự liên hệ giữa chi phí chăm sóc sức khỏe và nợ nần.
Bà Linfield nhận định: "Có một điều quan trọng là những người tham gia cuộc tranh luận về vấn đề chăm sóc sức khỏe phải có được những số liệu chính xác từ các cuộc nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng khi một người nào đó cho biết là 30% số người trong cuộc nghiên cứu của họ nói rằng họ bị khánh tận vì phải trả quá nhiều tiền khi mắc bệnh hoặc bị thương thì đó là một sự kiện đáng quan tâm và không nên xem thường."
Theo luật sư Henry Sommer, những sự thay đổi trong thị trường nhà ở cũng làm gia tăng số người nộp đơn khai phá sản.
Ông Sommer nói thêm: "Trong một thời gian khá lâu, nhiều người đã có thể tránh được những vấn đề cấp bách về tài chánh phát sinh từ thẻ tín dụng, bằng cách làm lại thủ tục vay nợ mua nhà và vay tiền với khoản thế chấp là phần sở hữu thật sự của ngôi nhà, rồi dùng tiền đó để trả cho các khoản nợ thẻ tín dụng. Giờ đây vì giá nhà tuột dốc và nhiều người không có phần sở hữu thật sự nào đối với căn nhà của mình, cho nên họ không thể làm như thế để trả nợ thẻ tín dụng."
Những người đã nộp đơn khai phá sản như bà Mary sẽ phải nghĩ tới việc thay đổi lối sống để tránh xảy ra tình trạng này trong tương lai.
Bà Mary nói: "Tôi đã thật sự phản tỉnh và suy nghĩ nhiều về lối sống của mình, về những thứ mà tôi vẫn thường mua sắm trước đây. Tôi không thể tiếp tục mua sắm quần áo bừa bãi. Tôi sẽ không xem xi né. Tôi ăn ít đi và những loại thực phẩm mà tôi ăn giờ đây cũng khác với lúc trước."
Vì có một sự thay đổi trong luật phá sản năm 2005, những người nộp đơn xin bảo hộ phá sản phải tham gia một lớp tư vấn về vấn đề tín dụng dài hai tiếng đồng hồ. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng biện pháp này về lâu về dài sẽ đưa tới chỗ là không ai nộp đơn phá sản hai lần.