Đã từ vài năm trở lại đây, giá xăng dầu ở Việt Nam luôn là một đề tài nóng. Lý do chủ đề này luôn nóng là vì giá trong nước tăng khi giá nước ngoài tăng, nhưng lại không giảm (kịp) khi giá nước ngoài giảm.
Đúng ra, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam phải được tính theo cơ chế thị trường từ ngày 1/7/2007, tuy nhiên theo giải thích của hai bộ Tài chính và Công thương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối vẫn phải phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xăng theo yêu cầu của Chính phủ. Vì thế, về mặt thực tiễn thì nhà nước vẫn quản lý giá bán lẻ.
Nguồn: Ngân hàng thế giới
Bộ Tài chính và Công thương bình ổn giá xăng dầu dựa trên tiêu chuẩn nào? Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu không có phần nào nói về việc bình ổn giá. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo T.Ư và liên Bộ Tài chính - Công thương - Thông tin và Truyền thông ngày 15-7, tại Hà Nội, liên Bộ Tài chính - Công thương đã cho biết sơ lược vể các tiêu chuẩn này.
Theo tường thuật của báo Nhân Dân thì quản lý nhà nước về giá xăng dầu dựa trên nguyên tắc:
“Giá có lên, có xuống theo biến động của giá thế giới; bảo đảm mức giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam tương đương với mặt bằng giá của các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung biên giới để góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới; thực hiện nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước, DN và người dân.”
Nếu tường thuật của bài báo này là đầy đủ thì có thể thấy ý chính trong hệ thống tiêu chuẩn điều hành giá xăng dầu chỉ gồm có hai điểm. Thứ nhất là không để giá xăng dầu ở Việt Nam thấp hơn giá xăng dầu ở các nước lân cận như Lào, Cambodia hay Trung Quốc. Thứ hai là nếu có khó khăn (thí dụ giá dầu thế giới tăng đột biến) thì nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ.
Nguyên tắc thứ nhất dựa trên mục tiêu không để chảy máu xăng dầu. Vấn đề này đã được nhiều người quan tâm hồi giữa năm 2008 khi giá dầu thế giới tăng cao trong khi giá trong nước được giữ cố định trong khoảng 3 tháng (xem biểu đồ minh họa).
Thế nhưng đặt mục tiêu quản lý giá để xăng dầu trong nước không rẻ hơn nước ngoài xem ra rất khó nghe. Người dân được lợi gì từ một cơ chế giá luôn đảm bảo họ phải trả tiền đắt hơn, hoặc ít ra cũng không rẻ hơn, những người láng giềng? Thêm nữa các nước như Lào có chi phí vận chuyển còn đắt đỏ hơn cả Việt Nam do không có hệ thống cảng biển. Vì thế tiêu chuẩn này có vẻ như không vì người tiêu dùng trong nước. Nếu vấn đề nằm ở chỗ nhà nước sợ bị chảy máu xăng dầu thì công việc phải nằm ở chỗ chống buôn lậu chứ không phải bằng biện pháp đẩy giá lên.
Mục tiêu thứ hai được liên Bộ Tài chính - Công thương thực hiện qua Quỹ Bình ổn giá. Hoạt động của quỹ này dựa trên việc nhà nước cho phép bán xăng dầu với giá cao trong lúc giá trên thị trường thế giới thấp, sau đó sử dụng số tiền thu được này để giữ giá trong nước trong trường hợp giá dầu thế giới tăng cao đột biến.
Để xem ý tưởng này hay hay dở, hãy tạm gạt ra ngoài các chi phí cần phải bỏ ra để áp dụng cơ chế bình ổn giá thông qua hoạt động của Quỹ Bình ổn giá (mà tôi nghĩ là tốn kém), có thể thấy một số điểm khá rõ ràng:
(1) Về dài hạn thì người dân và doanh nghiệp không được gì vì nhà nước không thực hiện trợ cấp ròng (tức là không cho không).
(2) Cơ chế này làm cho công tác dự báo giá xăng dầu của các doanh nghiệp thêm phức tạp. Bên cạnh việc phải dự báo giá dầu thế giới, họ còn phải dự báo xem nhà nước sẽ “bình ổn” giá theo kiểu gì. Thông thường thì nhà nước vẫn thông báo trước các quyết định tăng/giảm giá xăng dầu, tuy nhiên các quyết định này cũng thường xuyên bị thay đổi.
(3) Hoạt động của Quỹ bình ổn giá xem ra đi ngược với tiêu chuẩn đầu tiên. Trong giai đoạn giá dầu thế giới thấp, giá trong nước sẽ được giữ ở mức cao hơn, vì thế chảy máu xăng dầu không phải là vấn đề cần lo ngại. Thế nhưng một khi giá dầu thế giới tăng trở lại, quỹ bình ổn giá sẽ được sử dụng để giữ giá xăng dầu trong nước không tăng theo. Trường hợp này sẽ tạo động cơ cho việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Nếu liên Bộ Tài chính - Công thương muốn duy trì cả hai mục tiêu này, thì họ phải giữ giá trong nước cao khi giá dầu thế giới thấp (để nạp tiền vào Quỹ bình ổn giá) và bù giá rất ít khi giá dầu thế giới tăng cao (để chống chảy máu xăng dầu). Mà như vậy thì có lẽ người dân và doanh nghiệp của Việt Nam sẽ chịu thiệt chứ không phải được lợi.
Sắp tới đây, có vẻ như cơ chế này sẽ được thay đổi. Tôi cho rằng Việt Nam nên sớm tự do hóa thị trường xăng dầu nội địa. Nếu nhà nước muốn bình ổn giá thì có thể thực hiện qua việc tăng cường công xuất các bể dự trữ (hiện nay khả năng dự trữ xăng dầu của Việt Nam còn thấp, mới chỉ đủ dùng cho khoảng 1 tháng.