Cuốn Sách và vận hạn nổi trôi của nó

Tô Thùy Yên, tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, học tại Gia Định và Sài Gòn. Viết từ cuối thập niên 1950. Tại ngũ từ 1963 đến 1975. Tù Cộng sản 13 năm. Tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1993.

Thi sĩ Tô Thùy Yên, tác giả Chiều Trên Phá Tam Giang và Ta Về gần một năm nay không động đến bút. Khi tôi xin ông góp một tiếng nói cho blog đài VOA, ông bảo "Nễ tình tri ngộ của nhau, tôi đã viết một bài blog ngắn gửi ông. Ông nên hiểu rằng đây quả là một nỗ lực thần sầu quỷ khốc của tôi trong lúc này. Từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ, tất nhiên chưa biết blog là cái quái gì, chớ đừng nói là viết blog. Thành thử…”

“Có thể nói thơ Tô Thùy Yên bài nào cũng dài. Có vẻ là những trường ca của một con người thao thức, băn khoăn, luôn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc tồn sinh, lấy ngôn ngữ làm phương tiện đào xới, khai phá, những mong cảm thấu được gì trong cái mênh mang của đất trời.” Một tác giả trên net ghi nhận như vậy.

Trong bài viết cho trang blog NXH & Bạn Hữu tuần này, thi sĩ Tô Thuỳ Yên gửi đến chúng ta không phải là một bài thơ mà là một đoản văn. Chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc đoản văn Cuốn Sách của người thi sĩ.

Tôi thường nghĩ như một ám ảnh không rời về vận hạn trôi nổi của Cuốn Sách kể từ khi nó ra đời tức từ khi con người có chữ viết. Theo thần thoại Hy Lạp, Thượng Đế thể theo van nài của thần Mercury, ban phát cho loài người những ký tự để ghi chú với cái giá là con người phải tự đánh mất đi một phần lớn khả năng ký ức của mình. Như vậy chúng ta hiểu rằng chữ viết hay Cuốn Sách chính là ký ức của con người và thư viện chính là bộ nhớ của nhân loại.

Lịch sử cổ đại ghi nhận rằng khi nhà chinh phục Alexander The Great thất bại ở chiến trường Ấn Độ triệt thoái về Babylon, đã cho xây dựng một thành phố ở thuộc địa Ai Cập mang tên ông là Alexandria với một thư viện vĩ đại lưu trữ 7,000 cuộn giấy chữ. Sử gia Áo Ernst Gombrich đã ví von 7,000 cuộn giấy chữ đó là 7,000 chiến sĩ đã được tung ra chinh phục thế giới, và đế quốc đó cho đến ngày nay vẫn còn đứng vững. Ít ra là ở thế giới Tây phương.

Một khảo sát lịch sử nhân loại dù sơ lược cũng cho thấy mỗi bận Cuốn Sách thay đổi hình dạng là lịch sử nhân loại cũng thay đổi hình dạng theo. Gutenberg và kỷ thuật ấn loát mới vào thế kỷ 15 đã vực thế giới Tây phương ra khỏi Thời Đại Tối Tăm của những nhà ký lục còng lưng ngồi rị mọ sao chép tay những kinh điển của tiền nhân gần như dành riêng cho thành phần kẻ sĩ ưu tú thưa thớt có điều kiện tiếp cận với Cuốn Sách.

Sau thời kỳ đó, Cuốn Sách phổ biến rộng rãi hơn đã mở ra trước mắt đông đảo quần chúng Thời kỳ Phục Sinh, rồi Cải Cách, rồi Thế Kỷ Ánh Sáng, và lôi cuốn cái đám đông đảo quần chúng đó vào những cuộc cách mạng long trời lở đất để thiết lập những trật tự xã hội mới khác.

Một trong những kỷ niệm không quên của tôi hồi ở trong trại tù cải tạo, là anh em vốn đói sách trầm trọng nên có thói quen vào những đêm rảnh rang, tụ tập và mời những anh em đồng cảnh nào có trí nhớ tốt mệnh danh là những máy chiếu phim lưu động đến trà thuốc kể chuyện tình tiết những pho truyện chủ yếu là kiếm hiệp Kim Dung theo như tập tục truyền khẩu thời nhà Minh, nhà Thanh bên Tàu, hay xa xôi hơn như thời Hy Lạp ở thế kỷ thứ 6, thứ 5 trước Tây lịch của những Homer, Heredotus.

Chi tiết thú vị là những buổi chiếu phim đó chẳng những tạo hào hứng cho những thính giả đồng cảnh bên trong mà còn thu hút sự chăm chú theo dõi chắc hẳn không kém phần thích thú của những người canh tù dự thính ở bên ngoài nữa.

Ngày nay với những tiến bộ điện tử siêu tốc, phổ biến tràn ngập vô biên những thông tin tri thức của nhân loại, qua internet, qua vô số những web, những blog, Cuốn Sách với hình thức mà chúng ta được biết hiện nay dường như có nguy cơ mệnh chung và chôn vùi.

Như vậy, lịch sử liệu chừng có phải sẽ thay đổi lớn và thay đổi như thế nào đây? Vấn đề này quả đáng được chư hải nội thức giả đào sâu suy nghĩ hình dung một tương lai nào đó của nhân loại mà lịch sử vô lường vẫn còn giữ kỷ trong cái túi làm trò vô hạn của mình như một ngạc nhiên biến ảo. [Tô Thùy Yên]