Những ghi chú về văn chương

Ðào Trung Ðạo, cựu giảng viên trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (1968-1975). Thơ, đoản văn (bút hiệu Thạch Trân) đăng trên Sáng Tạo 1957-1958. Tiểu luận, truyện dịch, phê bình văn học, lý thuyết phê bình văn học, thơ, đăng trên Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Từ 2005 phụ trách mục Điểm Sách của Ban Việt ngữ Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Thời khóa biểu làm việc của “Xưởng Đào Trung Đạo” từ lâu được chia ra: Thứ Hai-Thứ Ba dành cho Triết học, Thứ Tư-Thứ Năm dành cho Tiểu thuyết, và Thứ Sáu dành cho Phê bình và hai ngày cuối tuần dành cho Thơ.

Khi nghe Nguyễn Xuân Hoàng đề nghị “viết một cái gì đó” cho blog NXH và Bè Bạn lúc đầu tôi không mấy mặn mà, nhưng nghĩ lại rất có thể cái không gian ảo của Internet - một không gian vô hạn - là một cơ hội làm hồi sinh, hâm nóng cái sinh hoạt văn học nghệ thuật tiêu điều kể từ hơn 10 năm nay ở đây. Hy vọng này xét ra rất có cơ sở vì nếu ta lướt sóng vào những forums văn chương trên thế giới mở ra cho mọi người ở khắp nơi tham dự thì thấy những kết quả rất đáng khích lệ.

Chẳng hạn người ta vẫn cho rằng tiểu thuyết của Thomas Pynchon và David Foster Wallace không có số người đọc đông đảo, nhưng kết quả đã trái hẳn dự đoán đó khi forum hội thảo về tác phẩm của hai nhà văn này có con số người tham dự, nhất là những độc giả trẻ, khá đông đảo và hào hứng. Vậy “Xưởng ĐTĐ” Ngày Thứ Tư-Thứ Năm sẽ gửi tới bạn đọc Những Ghi Chú về Văn Chương với hy vọng làm mới, hồi sinh cái không khí sinh hoạt văn chương trong những ngày sắp tới….Và đúng như tên gọi, đây chỉ là những gợi ý, những ‘working notes’ nhưng xuyên suốt vẫn chỉ xoay quanh câu hỏi: Văn chương có khả hữu không?


Trận Đồ Văn Chương


Có lẽ câu hỏi chung cuộc đặt ra cho người viết văn là câu hỏi muôn thưở: Tại sao viết? Chừng nào câu hỏi này chưa được đặt ra một cách triệt để, rốt ráo thì con đường đi vào văn chương của những người viết nếu không là những ngả lạc lối, tối thẳm thì cũng là những con đường mòn cũ. Những mỹ từ như sáng tạo, cách tân…được nêu lên nhưng cuối cùng câu hỏi vẫn không có được một giải đáp. Đấy là chưa kể tới những câu giải đáp dung tục cưỡng bức văn chương khi một mục đích ngoài văn chương được áp đặt đưa đến hậu quả thảm khốc là văn chương bị hủy diệt. Có lẽ cách tốt nhất để đi đến một câu trả lời là tìm gợi ý từ những lộ trình văn chương với kết quả là những tác phẩm có kích thước lớn của văn chương thế giới.

Theo dõi lộ trình của những bậc thầy này tôi đi đến khái niệm “trận đồ” : kích thước, tầm vóc của một nhà văn được hình thành qua trận đồ và cách “phá trận” của mỗi nhà văn. Một cách tổng quát khái niệm “trận đồ” được hiểu như sau:

- Trận đồ văn chương: Khởi đầu tất nhiên khi cầm bút viết văn là câu hỏi đặt ra sau khi đã ngụp lặn trong thư viện văn chương thế giới là phải chăng văn chương chỉ là như vậy sao? Đây không phải là một câu hỏi quá tham vọng nhưng là một câu hỏi cần thiết. Vì nếu văn chương chỉ là như vậy ta chẳng cần viết thêm gì. Vào trận đồ này giống như bước vào trận đồ khai tâm của võ phái Thiếu Lâm. Ta có thể coi những bậc thầy như những chiếc bóng vây bủa và ra đòn, và ta phải quần thảo với những chiêu thức của những vang bóng này.

- Trận đồ tư tưởng: Cái nhìn về thế giới hôm nay của ta như thế nào? Phải chăng thế giới là đáng nguyền rủa, hỗn mang, đứt rời hay là một cái gì khác, chưa định hình hay đã đổ nát? Hay thế giới hiện thực rốt cuộc cũng chỉ là ảo ảnh, bất toàn, sản phẩm của những ý tưởng cá nhân hay tập thể luôn luôn được tạo thành rồi bị phá hủy liên tục trong lịch sử? Phải chăng thế giới cũng chỉ là fiction? Nếu như thế giới đó đã hình thành, đã hoàn hảo, đã trở thành một huyền thoại (myth) (như quan niệm hiện thực xã hội chỉ ra) thì giải pháp đã có sẵn và nhà văn trở thành người thợ sơn vụng về. (Chính vì lý do này không thể có một “nền” văn chương hiện thực xã hội, khi hiện hiện thực xã hội ngự trị không thể có tiểu thuyết.) Vì văn chương, tiểu tuyết (fiction) không những không bao giờ là huyền thoại mà còn là “giải thoại” (demystification) cho nên áp đặt huyền thoại trên văn chương đồng nghĩa với hủy diệt văn chương. Đem thế giới như ta quan nhận vào văn chương bằng cách thể hiện nào? Trận đồ của nhà văn trong cuộc đối đầu sinh tử giữa thời gian và không gian trong văn chương được bày ra như thế nào trong tác phẩm? Gải pháp của bản thân nhà văn?

- Trận đồ ngôn ngữ: Vì văn chương không phải là ngôn ngữ hàng ngày, cũng không hẳn là ngôn ngữ hàng ngày “được làm lạ lẫm” như những lý thuyết gia hình thức quan niệm, nhưng là kết quả của một diễn trình tạo sức căng trong diễn ngôn, đập vụn và tái tạo ngôn ngữ văn chương cũng như ngôn ngữ đời thường. Ngôn ngữ văn chương tự thân đã là ý thức về sự có mặt của khoảng trống, của hư vô chứ không phải là ý thức về hư vô, và ngôn ngữ văn chương được làm mới hoài hủy trong cách đặt cho sự có mặt của cái khoảng trống rỗng đó một cái tên. Song song với việc đập vụn và tái tạo ngôn ngữ là đâp nát và tái tạo hình thức thể loại văn chương, cho hình thức một ý nghĩa mới. Giải quyết vấn nạn khoảng cách thẩm mỹ (aesthetic distance) giữa người viết với người đọc ra sao? Câu hỏi này gắn liền với chọn lựa kỹ thuật thuyết thoại (narration).

- Trận đồ với bản thân: Đây là trận đồ cuối cùng và khổ nhục nhất. Rất có thể kết quả là một sự thất bại trong vinh quang như William Faulkner nhận định, hay một quyết định chung quyết như Franz Kafka trước khi chết đã muốn thiêu hủy tất cả những tác phẩm của mình.