Sao để con đi ăn mày, tội thế?

Nhắc đến ăn mày ở Pháp, sực nhớ đến một hiện tượng khác: Biểu diễn trên đường phố.

Ở các thành phố lớn và có nhiều du khách, người ta thường thấy trên các ga xe lửa hay trạm xe điện ngầm, các công viên và đặc biệt các con đường dành riêng cho người đi bộ, những người đang biểu diễn văn nghệ hay đang làm một cái gì đó để làm vui cho khách qua đường. Hình thức biểu diễn vô cùng đa dạng. Có người làm xiếc. Có người nhảy múa hay nhào lộn. Có người sơn quần áo, tay chân và mặt mũi, kể cả tóc tai, rồi đứng yên như một bức tượng đồng. Không làm gì cả. Chỉ đứng thật yên, từ giờ này qua giờ khác.

Thoạt nhìn, người ta dễ ngỡ là tượng thật, nếu không thấy đôi mắt đôi khi chớp chớp. Vậy thôi. Có người, thường là từng nhóm, thay phiên nhau đàn và hát, như một buổi biễu diễn văn nghệ thực sự. Nhưng nhiều hơn là các nghệ sĩ biểu diễn một mình: góc này một người đang đánh violin; góc kia một người đang đánh guitar. Có người còn mang cả chiếc dương cầm ra góc đường để biểu diễn.

Tất cả đều có một điểm giống nhau: Ở trước mặt đều có một cái mũ lật ngược hay chiếc thùng đàn mở nắp. Để khách qua đường có thể bỏ tiền vào, nếu muốn.

Họ là ai?

Tôi chưa đọc được một tài liệu nghiên cứu thật khoa học nào về những người ấy. Chỉ biết, từ nhiều nguồn tin khác nhau, chủ yếu trên báo chí, đây đó, là: Phần lớn họ là sinh viên hay những nghệ sĩ ít nhiều thất bại. Có khi họ chỉ muốn kiếm tiền thêm khi còn đang đi học.

Có khi họ chỉ kiếm tiền để đi du lịch. Nghe nói có những sinh viên có thể, với cây đàn guitar trên tay, du lịch từ nước này qua nước khác, trong suốt cả mùa hè. Cũng có người muốn kiếm ít tiền khi gặp khó khăn trong sinh kế.

Có điều hiếm có ai sống hẳn bằng cái nghề biểu diễn trên đường phố như vậy. Thường, họ làm việc theo mùa hay theo hứng. Họ xuất hiện trên đường phố một lúc nào đó, rồi biến mất trong thế giới học tập hay nghề nghiệp riêng của họ.

Và, nhất là, họ không phải là ăn mày.

Họ chỉ đem tài năng ra biểu diễn. Ai muốn xem thì xem. Ai muốn thưởng thì họ nhận. Họ không xin.

Chính họ, những nghệ sĩ vô danh ấy, đã làm cho các trung tâm du lịch sinh động hẳn lên. Bởi vậy, tôi để ý, phần lớn các du khách đều rất trân trọng họ. Lúc họ biểu diễn, mọi người đều đứng im lặng lắng nghe. Khi họ biểu diễn xong, mọi người vỗ tay nồng nhiệt. Thưởng tiền, người ta cũng thưởng một cách ý tứ. Có người còn đến gần khen ngợi và bàn tán về chuyện nghệ thuật. Không ai xem họ là ăn mày.

Nhưng người Việt Nam thì khác.

Nhớ, cách đây khá lâu, mười mấy hai mươi năm gì đó, ở Melbourne, nơi tôi đang sống, có một sinh viên Việt Nam đang học nhạc ở một đại học lớn nhất trong thành phố, thỉnh thoảng cùng bạn bè rủ nhau ra đường phố biểu diễn âm nhạc. Biểu diễn thì không sao. Chỉ có điều là trước mặt các em lại có chiếc mũ lật ngửa. Thế là đây đó lại rộ lên những lời đám tiếu. Những lời đàm tiếu ấy lọt vào tai bố của em, một người khá có tiếng tăm trong cộng đồng: “Không biết ông ấy làm ăn thế nào mà lại để con ra phố làm ăn mày, tội thế!”.

Ông bố nói lại với con, thằng con chỉ cười.

Mấy năm sau, đứa con ấy trở thành một nghệ sĩ khá có tiếng ở Úc.

Không biết có ai còn nhớ những lời đàm tiếu vô duyên ngày trước?