Honduras: TT bị lật đổ bước vào lãnh thổ, nhưng trở ra ngay

Hôm thứ Sáu, Tổng Thống Honduras bị lật đổ, ông Manuel Zelaya, đã đặt chân lên lãnh thổ nước ông khi bước qua làn ranh biên giới giữa Honduras với Nicaragua, nhưng ngay sau đó, ông đã quay lại Nicaragua để tránh bị bắt giữ.

Trước đó, các lực lượng an ninh Honduras đã bắn hơi cay để giải tán đám đông ủng hộ đang chờ chào mừng Tổng Thống Zelaya.

Lệnh giới nghiêm đã được ban hành tại khu vực El Paraiso của Honduras, giáp ranh với thành phố Las Manos của Nicaragua. Một sợi dây xích tại đây đánh dấu biên giới giữa hai nước.

Đứng giữa một đám đông gồm các nhà báo và các chuyên viên thu hình, ông Zelaya tiến lại gần sợi dây xích, rồi đưa dây qua khỏi đầu, ông bước một vài bước vào lãnh thổ của Honduras.

Ông Zelaya sử dụng điện thoại di động một lúc rồi lại bước một vài bước để trở lại phần đất của Nicaragua.

Chính phủ lâm thời đang nắm quyền tại Honduras sau cuộc đảo chánh quân sự đã ra lệnh bắt ông ngay lập tức nếu ông trở lại Honduras. Các giới chức quân sự Hondura tuyên bố không bảo đảm an ninh cho ông Zelaya nếu ông trở về nước.

Ngoại trưởng Hillary Clinton mô tả hành động của ông Zelaya là thiếu thận trọng và làm như thế không giúp khôi phục lại nền dân chủ và trật tự theo đúng hiến pháp của Honduras.

Tổng Thống các nước Nam Mỹ đang tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Paraguay nói rằng ông Zelaya phải được phép trở về thủ đô Tegucigalpa một cách vô điều kiện.

Phát biểu tại hội nghị này, Tổng Thống Brasil Luiz Inacio Lula da Silva nói cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng Thống Honduras là một bước thụt lùi và các quốc gia trong vùng không thể tha thứ hành động này.

Ông Zelaya đã cố gắng bay về Honduras một tuần lễ sau khi bị lật đổ thế nhưng máy bay của ông không được phép đáp xuống.

Tổng Thống Costa Rica Oscar Arias đã dẫn đầu các cuộc thương thuyết để giải quyết vụ tranh chấp này. Tuy nhiên chính phủ lâm thời do ông Roberto Michelatti lãnh đạo đã từ chối mọi đề nghị cho phép ông Zelaya trở về nước.

Chính phủ lâm thời Honduras nói rằng ông Zelaya bị lật đổ vì ông đã tìm cách thay đổi Hiến pháp một cách bất hợp pháp để kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thống của ông.

Chưa có quốc gia nào công nhận chính phủ lâm thời Honduras và nhiều quốc gia đã lên tiếng yêu cầu phục hồi chức vụ cho ông Zelaya.

Có ít nhất một người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và xung đột xoay quanh vụ bế tắc chính trị tại Honduras.