Một số đại diện của các tổ chức như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, Human Rights Watch và Boat People SOS đã cập nhật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam tại phiên giải trình được tổ chức hôm 23/7 tại Tiểu ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, sự kiện này còn có sự tham gia của các dân biểu mạnh mẽ thúc đẩy dân chủ, tự do tôn giáo và ngôn luận ở Việt Nam như bà Loretta Sanchez, ông Chris Smith, Frank Wolf và Ed Royce. Trong khi đó, phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không có đại diện nào tham dự. Phóng viên Nguyễn Trung của ban Việt Ngữ đài VOA đã tới theo dõi sự kiện và có bài tường thuật sau đây.
Là người đầu tiên phát biểu tại phiên giải trình trước Tiểu ban Nhân quyền của Hạ viện Hoa Kỳ hôm 23/7, ông Michael Cromartie, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), đã cập nhật các đánh giá mới nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam sau chuyến công du của ông hồi tháng Năm vừa qua.
Ông Cromartie trích dẫn báo cáo thường niên 2009 của USCIRF nói rằng ‘vẫn còn các cá nhân ở Việt Nam bị bắt giữ vì các hoạt động tôn giáo hay thúc đẩy tự do tôn giáo’. Ông cũng cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng trong chuyến thăm đó, ông đã được phép gặp các nhà bất đồng có tiếng hiện vẫn bị cầm tù ở Việt Nam như Luật sư Nguyễn Văn Đài và Linh mục Nguyễn Văn Lý.
Ông Cromartie cho biết cả Linh mục Nguyễn Văn Lý và Luật sư Nguyễn Văn Đài “vẫn khỏe mạnh về mặt thể chất,” nhưng ông thấy họ “buồn và có nhiều tâm trạng.” Ông cũng nói là hai tù nhân này “rất mừng” khi được phép gặp phái đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ vì “họ muốn cả thế giới biết tới tình trạng của họ”.
Ông Cromartie nói thêm rằng họ là những người “can đảm, có niềm tin và quyết tâm, nhưng họ đã phải trả giá đắt về niềm tin của mình.” Ông cũng nói rằng Luật sư Đài và Linh mục Lý đã “khẳng định lại những điều mà phái đoàn đã từng biết tới về tình trạng vi phạm tự do nhân quyền và tôn giáo trong khi tự do ngôn luận thì rất giới hạn mà bản thân họ là bằng chứng sống.”
Một thành viên khác trong nhóm nhân chứng quần chúng tham gia giải trình, bà Sophie Richardson, Giám đốc Bộ phận châu Á của Tổ chức Human Rights Watch, nhận định rằng mặc dù là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tại diễn đàn nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng Năm, Việt Nam “vẫn từ chối lắng nghe các nước thành viên khác, trong đó có Hoa Kỳ, về các vấn đề liên quan tới các vi phạm nhân quyền nhất là về việc tự do ngôn luận, hội họp, tự do báo chí và bảo vệ nhân quyền.”
Bà Richardson cũng nêu lên một loạt các vụ bắt giữ gần đây, trong đó có Luật sư Lê Công Định và nhà bất đồng trẻ tuổi Nguyễn Tiến Trung, để chứng minh cho vấn đề vi phạm tự do ngôn luận của Việt Nam. Đại diện của tổ chức thúc đẩy nhân quyền nói rằng mặc dù đã có những tiến bộ về xóa đói giảm nghèo cũng như cải cách kinh tế, “Việt Nam vẫn không dung thứ cho các hành động thách thức chính quyền độc đảng.”
Bà Richardson cũng đồng thời kêu gọi chính quyền Washington “gây áp lực mạnh hơn nữa” đối với chính quyền Hà Nội vì “Việt Nam là một trong các nước nhận viện trợ nhiều nhất của Hoa Kỳ ở Đông Á.”
Trong lần cập nhật thông tin về tình hình nhân quyền Việt Nam lần này, có một vấn đề được nhắc tới nhiều lần và đạt được sự đồng thuận cao của những người tham gia là việc kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Hồi năm 2006, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vì cho rằng “Việt Nam đã có những tiến bộ.”
Trong khi Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cùng một số tổ chức và cá nhân ở Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọi đưa Việt Nam trở lại CPC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, mới đây cho biết rằng “không đủ bằng chứng” để làm vậy.
Ông Cromartie nhận xét với VOA Việt Ngữ rằng có sự “khác biệt liên quan tới chiến lược” khi tiếp cận vấn đề CPC giữa Ủy ban của ông và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Cromartie đánh giá rằng “phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể nghĩ rằng nếu đưa Việt Nam vào danh sách CPC sẽ khiến nước này thúc thủ hơn, và vì thế sẽ gây phản tác dụng đối với tình hình nhân quyền ở đó.” Còn theo ông, phía Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nghĩ rằng “CPC sẽ gây áp lực lên chính phủ Việt Nam phải công bố những bằng chứng cụ thể về sự cải thiện tình hình nhân quyền.”
Ông Cromartie không nghĩ là phía “Bộ Ngoại giao bác bỏ chuyện một số lạm dụng nhân quyền ở Việt Nam, nhưng nói rằng về mặt ngoại giao, CPC không mang lại hiệu quả.” Ông Cromartie nhấn mạnh là Ủy ban “hoàn toàn bất đồng với quan điểm đó.”
Dẫu vậy, ông Cromartie nói ông “không muốn chỉ vẽ một bức tranh ảm đạm” về Việt Nam. Ông nói rằng Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng đã nhận thấy một số phát triển tích cực ở đây trong đó có việc phóng thích tù nhân hay sự bảo vệ về mặt luật pháp đối với các nhóm tôn giáo được công nhận trên toàn quốc.