VN: 18 người bị bắt trong vụ đụng độ ở giáo xứ Tam Tòa

Một số giáo dân Công giáo đã bị bắt giữ sau các cuộc đụng độ với công an ở giáo xứ Tam Tòa, ở Quảng Bình.

Linh mục Phạm Đình Phùng tại giáo xứ Tam Tòa cho hay giáo xứ Tam Toà là giáo xứ có cả gần 400 năm nay. Sau nhiều biến cố như biến cố 1954, và đặc biệt là sau chiến tranh năm 1968 thì nhà thờ Tam Toà đã bị bom phá và chỉ còn lại tháp chuông và nền đất.

Mấy năm gần đây, tòa giám mục đã đặt vấn đề nhiều lần với ban tôn giáo chính phủ và uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình để xây dựng lại nơi thờ tự cho giáo dân Tam Tòa, chính quyền cũng đã hứa hẹn nhiều lần sẽ giải quyết vấn đề này.

Nói chuyện với đài VOA qua điện thoại, Linh mục Phùng cho biết chi tiết về vụ đụng độ giữa giáo dân và công an như sau: "Trong 2 năm gần đây chính quyền nhất trí cho linh mục được đến làm lễ hàng tuần tại một nhà giáo dân gần nền nhà thờ Tam Toà đó, nhưng càng ngày giáo dân càng đông mà nhà này quá nhỏ, mà lại làm trên lầu thì cũng nguy hiểm, thì chúng tôi đề nghị được làm lễ trên nền nhà thờ Tam Toà. Đã nhiều lần Đức Giám mục giáo phận Vinh vào làm lễ, những lần lễ đó qui tụ cả hàng ngàn người, khá đông. Vừa rồi đây nhu cầu quá cấp bách thì linh mục bản xứ đã thỉnh ý toà giám mục xin làm một lán tạm bằng lợp tôn. Sáng 20 tháng 7 khoảng 150 giáo dân tới dựng nhà đó. Công việc vừa xong thì có khoảng 100 công an, cảnh sát tới, họ xô đổ và không cho làm nữa và đã xảy ra chuyện đó. Lúc đầu có 18 người bị bắt và cho đến lúc này thì họ thả và chỉ còn 7 người nữa."

Có tin cho hay công an đã đánh đập các giáo dân và một số người bị chảy máu.

Trong khi đó hãng tin AP cho hay phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình, ông Trần Công Thuật đã bác bỏ việc công an đánh đập giáo dân và nói rằng vụ đụng độ xảy ra giữa giáo dân và người dân địa phương. Ông cũng nói thêm rằng công an chỉ tới đó để ổn định lại trật tự.

Ông Thuật cũng cho biết là cả giáo dân và cư dân địa phương đều bị thương và thậm chí một số công an cũng bị thương.

Tuy nhiên, Linh mục Phùng phản đối điều ông Thuật nói: "Ý kiến này chúng tôi hoàn toàn phản bác, vì nó không đúng sự thật. Quả thực có video, có nhiều nhân chứng, giáo dân đã thấy một số đông công an thì mặc theo y phục công an, một số nữa không mặc y phục công an, những người này mới là đánh dân, họ kéo lên xe và ngay cả khi bắt giữ họ vẫn còn đánh. Ví dụ bây giờ có một số người được thả về, chúng tôi đến thăm thì có 2 người nói không bị đánh đập, còn hai người thì nói có bị đánh đập và cũng thấy có vết bầm trên người, rất nặng, họ khai và ký vào văn bản nhận lỗi thì công an cho về. Hiện nay còn 7 người còn bị giữ, họ chưa thả vì 7 người này bị trọng thương hơn, người nhà vào thăm thì thấy mặt mày bầm tím, có người bị gẫy răng, có người bị đánh toạc ở mắt. Đó là sự thật và chúng tôi cũng đã có đề nghị với uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về hành động này.

Theo ông Thuật thì chính quyền tỉnh đã quyết định lấy nhà thờ Tam Toà làm di tích chiến tranh vào năm 1991.

Ông Thuật nói rằng: chính quyền địa phương đã đề nghị 5 địa điểm để xây dựng nhà thờ mới, tuy nhiên các lãnh đạo công giáo chưa đồng ý về bất cứ địa điểm nào.

Trả lời về đề nghị này của chính quyền, linh mục Phùng cho hay: "Chính tôi và Đức Giám mục Giáo phận Vinh cùng một số linh mục khác đã nhiều lần gặp ông Thuật là phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình, ông Thuật đã đề nghị với toà giám mục là xin được giữ lại phần đất Tam Toà cũ làm di tích chiến tranh và đề nghị một mảnh đất thật đẹp, thật thuận tiên cho dân để xây một nhà thờ Tam Toà trên phần đất mới đó. Cũng trên tinh thần còn đang thương lượng với nhau thì chúng tôi nói là chính quyền cứ cho đất chỗ nào rồi chúng tôi xây dựng nhà thờ. Quả thực có một lần chính quyền mời chúng tôi vào xem 5 địa điểm đất mà cuối cùng chỉ xem được một địa điểm bởi vì có 4 địa điểm không thể tới mà xem được, vì hiện nay còn cánh đồng mà không có đường mà lội vào thì làm sao mà dựng nhà thờ. Có một địa điểm có thể tới được thì đó là một hồ nuôi tôm rất là sâu, nếu mà phải đổ cả mấy tỉ mà đắp nền đó thì cũng chưa đắp được. Đó là sự thực có như thế."

Cuộc tranh chấp này là cuộc tranh chấp mới nhất giữa giới hữu trách Việt Nam và Giáo hội Công giáo kể từ vụ bất đồng về khu đất ở Nhà Thờ Thái Hà, Hà Nội. Trong vụ đụng độ ở nhà thờ Thái Hà, môt số giáo dân cũng đã bị bắt giữ sau khi họ phá một bức tường rào để đặt tượng Đức Mẹ ở khu đất này.