Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva bênh vực các kế hoạch của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á nhằm thành lập một tổ chức nhân quyền. Ông đã đưa ra các nhận định vừa kể vào lúc khai mạc hội nghị thường niên của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Từ địa điểm hội nghị tại Phuket, Thái Lan, Thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói rằng ASEAN cần phải là một cộng đồng có hành động.
Ông Abhisit nói: “ASEAN cần phải có khả năng hành động một cách quyết liệt và và đúng lúc để đối phó với những mối đe dọa trong nước cũng như ở hải ngoại và những thách thức đối với an ninh và phúc lợi của các nước thành viên và nhân dân các nước đó. Những suy nghĩ thận trọng kéo dài cần phải được thay thế bằng hành động có hiệu quả. Chúng ta phải chứng tỏ cho thế giới thấy rằng ASEAN sẵn sàng đối phó với bất cứ thách thức nào và đã được chuẩn bị để hành động một cách kiên quyết.”
Từ lâu, khối ASEAN bị chỉ trích chỉ là một nơi hội họp để bàn tán vì tổ chức này có truyền thống chỉ hành động khi có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Nhưng hồi tháng Năm vừa qua, Thái Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch của Hiệp hội, đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, đối vớiõ Miến điện, một thành viên của ASEAN, vì việc nước này truy tố lãnh tụ dân chủ đối lập Aung San Suu Kyi và bỏ tù các nhà chính trị Miến Ðiện.
Vụ xử bà Aung San Suu Kyi về các cáo buộc vi phạm các điều khoản về việc bà bị quản thúc và việc Miến điện vi phạm nhân quyền là trọng tâm của hội nghị vì các ngoại trưởng trong khối đồng ý về các điều khoản thành lập một cơ quan nhân quyền đầu tiên của khu vực.
Chi tiết đầy đủ về chức năng của cơ quan này chưa được công bố nhưng các giới chức cho biết cơ quan sẽ không có quyền điều tra hay trừng phạt các nước vi phạm nhân quyền như Miến Điện.
Hôm nay, Thủ tướng Abhisit nói với các nhà báo rằng điều đó không có nghĩa là việc bảo vệ nhân quyền sẽ bị bỏ qua. Ông cho biết tuy cơ quan sẽ tập trung trước nhất vào việc quảng bá nhân quyền, nhưng sau đó sẽ là công tác bảo vệ.
Ông Abhisit nói tiếp: “Tuy nhiên, bắt đầu hành độïng dù sao cũng vẫn tốt hơn là cứ để cho vấn đề bảo vệ nhân quyền dây dưa chẳng tiến bộ gì cả. Cho nên chúng tôi thừa nhận mối quan ngại của những người đang hoạt động cho nhân quyền, chúng tôi sẽ mời họ cộng tác và sẽ làm những gì có thể làm được.”
Bộ trưởng ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN hôm nay bắt đầu cuộc họp dài 4 ngày để đẩy mạnh công cuộc hợp tác trong khu vực.
Theo dự kiến, các vị bộ trưởng sẽ thảo luận về những thách thức tác động tới khu vực, trong đó có nạn khủng bố, cuộc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh cúm, tình trạng biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.
Sau đó các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ họp vào cuối tuần với các đối tác của 17 nước và các tổ chức các nước trong đó có Liên hiệp Âu châu, Hoa kỳ và Bắc Triều Tiên.
Thái Lan muốn sắp xếp một cuộc họp không chính thức với 6 nước tham gia vào hội nghị nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc triều Tiên. Nhưng, trong một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không quan tâm đến vấn đề này, quốc gia khép kín này dự trù sẽ chỉ cử một giới chức ở cấp thấp tới tham dự hội nghị thay vì đưa bộ trưởng ngoại giao của họ đi phó hội.