Mạng Tuần Việt Nam của Tiến sĩ Vũ Minh Khương vừa đăng một bài báo mới, tít là: "Chặt cầu để tiến lên".
Tôi được biết về Tiến sĩ Khương từ hơn 3 năm nay. Một giáo sư trẻ dạy học ở Đại học Quốc gia Singapore.
Tôi từng đọc và chú ý một số bài viết của Tiến sĩ Khương. Trên mạng báo Tia Sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ ở Hà Nội.
Tôi có ấn tượng tốt, rất tốt, quý trọng và cảm phục giáo sư này. Ông tỏ ra có kiến thức vững, rộng, cập nhật về kinh tế, chính trị, về tình hình Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới.
Ông tập họp được một số sinh viên trẻ nam, nữ người Việt chuyên nghiên cứu trao đổi về tình hình và lối thoát phát triển cho Việt Nam. Hình như ông có riêng một Blog để mở rộng sự trao đổi kiến thức và chính kiến. Một trí thức dấn thân.
Ở ông, tôi quý nhất là tâm huyết với đất nước, nung nấu một lòng yêu nước mình, thương dân mình, đau lòng trước thảm cảnh nghèo khổ, bất công của đa số dân ta, khổ tâm trước tình trạng lạc hậu toàn diện của xã hội ta (về thu nhập theo đầu người, về giáo dục, văn hoá, tự do báo chí, về pháp quyền, về chăm sóc y tế, phụ nữ ta, trẻ em ta bị mua bán, tham nhũng và bất công tràn đầy).
Một số bài viết vào năm 2008 của Tiến sĩ Khương còn lưu đậm trong lòng tôi. Đó là chính kiến cho rằng Việt Nam cần thay đổi cả hệ thống, đổi mới thật rốt ráo cung cách thực hiện quyền lực trên nền tảng dân chủ, với chế độ pháp quyền bình đẳng giữa mọi công dân, không thể hài lòng với một vài thay đổi có tính chất chắp vá cải lương như hiện tại.
Ông từng nêu lên 2 cung cách phát triển, một cung cách phát triển lành mạnh, bền vững, với tốc độ cao, dựa vào kiến thức, khoa học, giáo dục sâu, công nghệ tiền tiến, phân công phối hợp quốc tế hài hòa; và một cung cách phát triển cũ kỹ, cải lương, giả dối, chắp vá mà ông cho là "hủ lậu", rất nguy hiểm và mất thời gian và thời cơ của dân tộc, chỉ làm khổ dân ta đã quá khốn khổ rồi.
Các bài viết của ông bật lên một lời nhắn nhủ với tuổi trẻ: hãy biết đau, biết xấu hổ, biết nhục, biết căm giận cái xấu, cái cũ kỹ, trì trệ của đất nước so vói các nước láng giềng quanh ta, để mà suy nghĩ cho sâu, tìm ra những nguyên nhân thật sự, rồi tham gia hết mình cho bài toán phát triển bền vững, với tốc độ cao trong sự phồn vinh chung, hài hoà của toàn xã hội.
Gần đây, khi chủ quyền quốc gia bị ngang nhiêm xâm phạm, khi chính quyền tỏ ra yếu kém, nhu nhược, thúc thủ, khi thể diện quốc gia bị ngang nhiên chà đạp trong sự đồng loã tội lỗi của kẻ cầm quyền, bài viết của Tiến sĩ Khương "Hãy chặt cầu để tiến lên" xuất hiện rất đúng lúc, rất đáng được trao đổi rộng rãi.
Về nội dung của bài báo này, tôi nghĩ rằng tác giả đã có những câu trả lời khá rõ ràng và đầy đủ, nhưng vì để làm động não người đọc, nhất là các độc giả trẻ, nên Tiến sĩ Khương đã theo phương pháp sư phạm của một giáo sư, đặt ra nhiều câu hỏi để chờ đón những câu trả lời khác nhau, hy vọng làm hoạt náo cuộc đối thoại, tranh luận.
Ông hỏi bạn đọc có thấy xót xa, hổ thẹn về vị thế hiện nay của đất nước? có tự thấy lo lắng cho tương lai đất nước? có đủ tự tin để đưa đất nước ra khỏi vị thế hèn kém để đưa lên một vị thế cao hơn rất nhiều không? và cơ chế hiện nay có cho bạn thực hiện hoài bão ấy không?
Thế rồi ông luận về nguy cơ mất nước hiện nay, để chỉ ra 3 nguy cơ ấy, khi trên (người cầm quyền) sai, mà quan chức dưới đều nín lặng; khi người cầm quyền chỉ coi đó là đặc quyền đặc lợi để vinh thân phì gia và kết bè kéo cánh hưởng lộc; khi cả quan và dân lao vào đua chen, chụp giựt, đạo lý bị coi thường, công lý bị tê liệt...
Sau đó, ông phân tích về "lỗi hệ thống", khủng hoảng về hệ thống tư duy, những định đề và thiết kế tổ chức kiểu cũ đã trở thành lực cản cho "một khung thức vận hành mới". Điều này ông đã từng nói rõ trong những bài báo trước.
Trong phần cuối "Làm gì để vượt lên" Tiến sĩ Khương chỉ ra 3 điều kiện:
- khi toàn dân đồng tâm trong khát vọng chung vươn lên;
- khi hiểm hoạ an ninh quốc gia ngày càng gay gắt;
- khi hệ thống chính trị nhận thức được lòng dân, nguyên khí dân tộc, nền văn minh thời đại để ngẩng cao đầu cùng nhân dân vượt lên.
Cuối cùng tác giả bàn đến việc đánh giá, phân loại, lựa chọn cán bộ lãnh đạo, từ người xứng đáng đến kẻ cơ hội, tham nhũng, bảo thủ, vụ lợi...
Bài báo này rất đáng đọc, rất đáng được phổ biến rộng, rất đáng để nhân đây khơi dậy một cuộc thảo luận thẳng thắn, sôi nổi của anh chị em trí thức, trong ngoài nước, của các bạn sinh viên, tuổi trẻ, của cả đảng viên cộng sản, kể cả người lãnh đạo...
Tôi không lạc quan lắm về mong muốn này. Vì sao mạng Tuần Việt Nam trong nước vừa đăng tải hôm kia thì hôm qua đã bị xoá sạch; nay các bạn chỉ có thể tìm đọc trên mạng www.Việt-studies.info từ ngoài nước.
Bộ thông tin truyền thông của lãnh đạo, của bộ chính trị độc đảng đã cảm thấy khó chịu, chạm nọc, cho đây là một bài báo nguy hiểm (cho ai?), có hại (cho ai?) đi trái chiều của công an, nhà nước, cần bịt mắt xã hội, cần bịt mồm Tiến sĩ Vũ Minh Khương lại.
Đó cũng là một kiểu trả lời sớm sủa, rõ ràng, sinh động mà sâu sắc của lãnh đạo đương nhiệm cho một loạt câu hỏi mà bài báo đặt ra, về cơ chế này, về thiếu sót hệ thống của chế độ hiện tại, về nguy cơ mất nước hiển nhiên, về sự bế tắc của tình thế. Thế cùng tất biến, nhưng vượt ra ngoài khuôn khổ của các bài báo này.
Họ quyết giữ cầu, không cho ai chặt, để còn có đường lùi, và kéo theo đất nước - thành con tin của họ - lùi thêm nữa trong lạc hậu toàn diện triền miên, trong bất công thêm sâu rộng, với một lực lượng lãnh đạo thành tỷ phú đỏ, trên tinh thần "sống chết mặc bay", "sau triều đình Cộng sản đỏ phất lên trong ô nhục, cơn Hồng thủy cho mọi người đồng chủng Việt khác cũng được, không sao hết!".
Các bạn cũng có thể tìm đọc bài này trên mạng: www.bauxitevietnam.info