Viết blog, thật ra, là viết nhật ký. Khác với các tờ báo mạng, blog thường đứng tên một người cụ thể, một cá nhân cụ thể, ở đó, người ấy trình bày một cách nhanh nhạy và cũng có thể, một cách thực thà, những ý nghĩ thoáng hiện trong đầu về bất cứ một vấn đề nào đó, từ xã hội đến chính trị, kinh tế và văn hóa. Như là một đoạn nhật ký, một bài viết trên blog không cần, và thật ra, không thể, là kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc được. Nó cũng không cần, và thật ra thì không thể, có một cấu trúc hoàn chỉnh với một mở đầu và một kết thúc chặt chẽ, mạch lạc được. Với những mức độ khác nhau, một bài viết trên blog thường có vẻ gì như một bài viết nháp, một cái gì đó dở dang chờ được kết thúc ở một nơi nào khác.
Nơi đó là nơi nào?
Là ở người đọc.
Thì bài viết hay tác phẩm văn học nào lại không kết thúc ở người đọc? Các lý thuyết gia thuộc trường phái Mỹ học tiếp nhận (Reception Aesthetics) và phê bình căn cứ trên hồi ứng của người đọc (Reader reponse criticism) đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, có lẽ, cho đến nay, chưa có hình thức truyền thông nào mà vai trò của người đọc lại lớn và tích cực như là trong các blog.
Ở đây có một nghịch lý. Là nhật ký, nhưng blog lại được người khác, có khi rất đông người khác, phần lớn là những người xa lạ, đọc. Ở phương diện này, blog có vẻ như một tờ báo. Nó cũng được xuất bản, dù là xuất bản trên mạng. Nó cũng có độc giả, có khi một khối độc giả cực lớn. Trong trường hợp của những blog nổi tiếng, số độc giả của blog không hề thua kém bất cứ một tờ báo chính thức nào.
Blog còn hơn cả tờ báo ở chỗ nó đồng thời là một diễn đàn. Hầu hết các nhật báo Tây phương hiện nay đều có mục diễn đàn dưới hình thức Ý kiến bạn đọc. Nhưng tất cả đều có giới hạn. Trước hết là giới hạn về số người và số ý kiến phản hồi. Không gian dành cho các ý kiến ấy khá nhỏ so với khuôn khổ tờ báo. Sau nữa, giới hạn về thời gian: để được đăng, người ta phải chờ, có khi cả tuần, đối với tuần san, và một vài ngày, đối với nhật báo. Các blog thì khác. Blog nào cũng mở rộng cửa chào đón ý kiến phản hồi của người đọc. Bao nhiêu cũng được. Càng nhiều càng tốt. Phần lớn các ý kiến ấy không được kiểm duyệt hay biên tập. Được viết như thế nào, hầu như chúng hiện nguyên hình thế ấy. Có thể nói với tư cách diễn đàn, blog là một biểu hiện của tinh thần tự do và dân chủ cao nhất hiện nay.
Vừa là nhật ký vừa là tờ báo lại vừa là diễn đàn, bản chất của blog là một thể loại hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử nhân loại.
Nó là một sự tổng hợp.
Mà tổng hợp cũng có nghĩa là xoá nhoà ranh giới.
Thứ nhất là ranh giới giữa tính chất riêng tư và công cộng. Một cảm nghĩ bâng quơ và thoáng qua của người cầm bút, khi xuất hiện trên blog, liền trở thành một phát ngôn chính thức và công khai: nó trở thành một không gian công cộng để ai cũng có thể ghé đến và bình luận, góp ý, thậm chí, chê bai.
Thứ hai, blog xoá nhoà ranh giới giữa tác giả và độc giả. Để ý mà xem, trên các blog, sự phân biêt giữa tác giả và độc giả rất mơ hồ. Bất cứ độc giả nào cũng có quyền phản hồi, nghĩa là, phần nào đó, trở thành tác giả. Không hiếm người, vốn không hề viết văn hay làm báo bao giờ, vẫn được nhiều người biết đến tên tuổi nhờ đóng góp ý kiến thường xuyên trên các blog nào đó.
Thứ ba, blog xoá nhoà ranh giới giữa văn hoá đặc tuyển và văn hoá đại chúng bởi trên blog, mọi người đều có quyền có ý kiến và mọi ý kiến đều bình đẳng với nhau; ý kiến nào gửi đến trước, đứng trước; ý kiến nào gửi đến sau, đứng sau; không có sự phân loại hay phân cấp gì cả.
Còn nữa.
Chắc chắn là blog còn có nhiều đặc điểm khác nữa.
Bạn có thấy đặc điểm gì khác?