Hiệp hội Luật sư Quốc tế chỉ trích vụ bắt giữ LS Lê Công Ðịnh

Hiệp hội luật sư quốc tế nói rằng việc Việt Nam bắt giữ 'một cách tùy tiện' một luật sư nhân quyền là đi ngược lại với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và với chính hiến pháp của Việt Nam.

Viện Nhân quyền của Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA) đã đưa ra lời nhận định này trong một lá thư gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm thứ Tư và hãng thông tấn Pháp AFP cũng nhận được bản sao lá thư này vào chiều ngày thứ Năm.

Theo AFP thì lá thư bày tỏ quan ngại rằng vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định hôm thứ bảy tuần trước có liên hệ trực tiếp tới hoạt động của ông với tư cách là một luật sư đã biện hộ cho các nhà hoạt động dân chủ và là người gần đây đã tham gia vào việc phản đối dự án khai thác bauxite gây nhiều tranh cãi ở Tây Nguyên.

Lá thư do hai đồng chủ tịch Viện nhân quyền là Thẩm phán Nam Phi Richard Goldstone và ông Martin Solc của Cộng hoà Czech ký, có đoạn viết 'chúng tôi quan ngại rằng vụ bắt giữ này có thể liên quan đến việc ông Lê Công Định đã đưa ra những quan điểm chỉ trích chính phủ Việt Nam'.

Viện nhân quyền là một bộ phận của Hiệp hội Luật sư Quốc tế có trụ sở ở London. Hiệp hội này đại diện cho 30,000 luật sư trên toàn thế giới.

Lá thứ cũng lưu ý rằng hiến pháp Việt Nam cũng như Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết, đều có qui định về việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Công ước này cũng có những điều khoản ngăn cấm việc bắt người bừa bãi.

Lá thư viết tiếp rằng vì lý do đó mà hiệp hội quan ngại rằng vụ bắt giữ này đã mâu thuẫn với chính Hiến Pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Theo truyền thông nhà nước thì ông Định bị bắt giữ theo điều 88 bộ luật hình sự, trong đó cấm những hành vi gọi là 'tuyên truyền chống phá nhà nước'. Chính phủ Việt Nam cáo buộc ông Định trong 4 năm qua đã phổ biến hàng chục bài viết trên cáo tờ báo, đài phát thanh và trang web ở hải ngoại với các nội dung thù địch và kêu gọi thay đổi chế độ cộng sản.

Các tổ chức theo dõi nhân quyền, các tổ chức ủng hộ tự do báo chí cũng như chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại trước vụ bắt giữ luật sư Định.

Tuy nhiên, đáp lại những lời chỉ trích này, chính phủ Việt Nam nói rằng Việt Nam đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do phát biểu ý kiến.

Cũng liên quan tới vụ án mà Việt Nam gọi là tuyên truyền chống phá nhà nước thì ngoài luật sư Định, Việt Nam đã bắt giữ thêm 4 người nữa.

Bản tin hôm thứ Sáu của hãng tin Reuters trích thuật nguồn tin của báo chí Việt Nam cho hay 4 người này đã hỗ trợ cho một âm mưu lật đổ nhà nước cộng sản nhằm thay thế bằng một hệ thống đa đảng. Hai người trong số này là Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long.

Trong khi đó hãng thông tấn AP trích nguồn tin của Thông Tấn xã Việt Nam xác nhận thêm hai người còn lại là Trần Thị Thu ở Hà Nội và Lê Thị Thu Thu ở Tiền Giang.

Theo giới hữu trách Việt Nam thì ông Định đã cấu kết với các 'thế lực phản động nước ngoài' để phá hoại và lật đổ chính phủ.

Hiện chưa có các chi tiết cụ thể về những người còn lại và họ bị cáo buộc lập kế hoạch như thế nào với ông Định.

Nếu bị xét là có tội, ông Định có thể sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam.

Một số báo chí trong nước đưa tin ông Định đã nhận tội và truyền hình nhà nước đã chiếu hình ông Định đọc bản tường trình vào tối thứ Năm.

Theo báo Tuổi Trẻ Việt Nam thì hôm 19/6 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Công Định.