VN dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục kể từ năm 2010

Chính phủ Việt Nam dự báo mức tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục kể từ năm tới sau khi năm 2009 đánh dấu mức tăng trưởng sụt giảm thấp nhất trong 10 năm qua.

Hãng tin Reuters trích thông cáo của chính phủ Việt Nam hôm nay cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội năm 2010 là đạt mức tăng trưởng GDP 6.5% đến 7%.”

Cuối tháng trước, chính phủ đã đề xuất với quốc hội về việc giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống khoảng 5%, dù nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu đó khó mà đạt được khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã đẩy tăng trưởng GDP quý đầu của Việt Nam xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm.

Reuters trích dẫn tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7,5% trong giai đoạn 1996 tới 2005. Năm ngoái, tăng trưởng GDP là 6,2%, giảm từ mức 8,5% năm 2007.

Hồi năm 1999, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam sụt giảm còn 4,5% vì thiên tai cũng như tình trạng kinh tế khó khăn trong vùng. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7% đến 8% một năm trong giai đoạn 2011 đến 2015.

Trong khi đó hãng tin DPA của Đức hôm nay trích dẫn báo chí trong nước cho biết rằng các hộ gia đình Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng đói nghèo có khả năng bị cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đẩy trở lại tình trạng đó.

Theo DPA, Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã cảnh báo như vậy trong bài phát biểu khai mạc hôi nghị các nhà tại trợ ở tỉnh Đắc Lắc hôm 8/6. Ông Khiêm được trích lời nói rằng nhiều hộ dân đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo nay lại đối mặt với nguy cơ nghèo đói vì tình trạng kinh tế khó khăn hiện tại.

Theo Phó thủ tướng Việt Nam, điều đó sẽ xóa bỏ mọi nỗ lực mà các nhà tài trợ, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực bấy lâu nay.

Trong khi khen ngợi Việt Nam đã triển khai gói kích cầu kinh tế trị giá 8 tỷ đôla nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng, đại diện các nhà tài trợ, còn được gọi là Nhóm Cố vấn cho Việt Nam cho rằng Việt Nam vẫn cần phải giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người nhập cư và công nhân xuất khẩu lao động.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank ở Việt Nam, nói cuộc khủng hoảng tài chính đặt ra một cơ hội duy nhất cho Việt Nam giải quyết các vấn đề yếu kém trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Theo DPA, kể từ năm 1993, Viện Nam đã nhận được viện trợ phát triển chính thức từ 50 nhà tài trợ với khoản cam kết hỗ trợ 50 tỷ đôla. Trong thời gian đó, tỷ lệ các hộ đói nghèo theo chuẩn quốc tế giảm từ mức 58% năm 1993 xuống còn 12,5% năm 2008.