Một nhóm khoảng 100 người Việt, gồm cả đàn ông, phụ nữ và một trẻ em, đã bị trục xuất khỏi Đức tối hôm 8/6 trong tình trạng an ninh được tăng cường nghiêm ngặt. Đây là vụ trục xuất tập thể đầu tiên ở Berlin kể từ nhiều năm qua. Các tổ chức nhân quyền và tị nạn đã lên tiếng phản đối động thái này.
Theo bản tin của cơ quan truyền thông Deutsch Welle của Đức, đây cũng là lần đầu tiên Cục an ninh biên giới của Liên hiệp châu Âu, Frontex, hỗ trợ tài chính cho một cuộc trục xuất tập thể.
Khoảng 200 người đã tụ tập tại sân bay Schoenefeld của Berlin để phản đối việc trục xuất hàng loạt này. Vụ việc đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dân chúng nhiều ngày qua vì nhiều người Việt đó đã sống ở Đức nhiều năm qua.
Các tổ chức nhân quyền và tị nạn đã phản đối cuộc trục xuất này với cảnh báo rằng những người nhập cư có thể sẽ bị phạt khi họ về tới Việt Nam.
Ông Wolfgang Lenk, một thành viên Đảng Xanh là ủy viên hội đồng thành phố Berlin, cho biết ông xuống đường phản đối vì gần 100 người đó bị trục về Việt Nam, nơi theo ông vẫn còn tình trạng vi phạm nhân quyền.
Ông Wolfgang cũng cho rằng việc trục xuất hàng loạt như vậy thường đồng nghĩa rằng các vụ đơn lẻ sẽ không được xem xét một cách cẩn thận.
Bất chấp sự hùng hậu của lực lượng cảnh sát, hai người biểu tình vẫn lọt được vào sân bay và ngay sau đó đã bị cảnh sát bắt.
Phần đông những người bị trục xuất đã sống ở Đức mà không có thẻ cư trú. 26 người trong số đó từng sống ở Ba Lan. Chính quyền Đức và Ba Lan đã phối hợp tổ chức đợt trục xuất này.
Cơ quan truyền thông Deutsch Welle nhận xét, đối với nhiều người Việt Nam đó, chuyến trở về quê nhà lần này là sự kết thúc của một hành trình dài và khó khăn. Nhiều người nhập cư đã bị những kẻ buôn người lừa về một vùng đất hứa. Họ đã phải trả một khoản tiền lớn để tới Đức, rồi sau đó đơn xin tị nạn của họ phần lớn bị từ chối. Dẫu vậy, số người từ Việt Nam tìm cách sang Đức, và cả nước láng giềng Ba Lan và Cộng hòa Czech, vẫn tăng.
Hiện có khoảng 85,000 người Việt Nam cư trú hợp pháp ở Đức. Chưa có thống kê về con số người Việt sống bất hợp pháp ở nước này. Theo Deutsch Welle, không giống với những người mới tới, những người Việt Nam sang Đức từ những năm 70 và 80 đã tạo lập được cuộc sống ổn định ở xứ người.
Những người sang Tây Đức cũ thường là ‘thuyền nhân’ rời bỏ chính quyền cộng sản. Những người Việt ở Đông Đức thường là công nhân xuất khẩu lao động.