Các đảng bảo thủ khắp châu Âu ăn mừng chiến thắng hôm nay, sau bốn ngày bầu cử nghị viện Liên hiệp châu Âu đánh dấu bằng thất bại nặng nề của phe thiên tả. Theo thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA, sự chia rẽ trong khối EU đã lên tới mức cao nhất. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Lisa Bryant gửi về từ Paris.
Các đảng cầm quyền tại hàng chục quốc gia châu Âu bắt đầu một tuần mới với tâm trạng không được vui sau khi thất bại thảm hại trong các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Một trong các nước đó là Anh, nơi thành tích do đảng Lao động cầm quyền đạt được xuống tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ với tỷ lệ 16% số phiếu. Thủ tướng Anh Gordon Brown dự kiến sẽ gặp các nghị viên trong đảng của ông vào cuối ngày hôm nay.
Trong khi đó, các đảng viên bảo thủ đương quyền ở Pháp, Đức, Italia và Ba Lan thắng thế trong cuộc bầu cử nhằm bầu chọn 736 nghị viên của Nghị viện châu Âu.
Các nhà lập pháp thiên tả như ông Martin Schulz, chủ tịch đảng Xã hội trong nghị viện, nói cảm thấy hết sức thất vọng với các kết quả này.
Ông Schulz nói cuộc bầu cử đánh dấu một thời kỳ buồn thảm cho phe xã hội ở châu Âu. Nhưng ông cũng nói rằng các chủ đề tranh cử của phe thiên tả gồm các giá trị xã hội, việc điều tiết hơn nữa thị trường cùng việc chống tình trạng biến đổi khí hậu, vẫn là các chủ đề phù hợp hơn bao giờ hết.
Các nhà phân tích cho rằng các cử tri muốn trừng phạt phe thiên tả vì điều mà họ cho là phản ứng chưa phù hợp trước cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế. Các vấn đề đối nội cũng nằm cao trong nghị trình tại một số quốc gia như Anh, nơi đảng Lao động đã thất thế vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau vụ bê bối về chi tiêu của các nghị sĩ.
Tại một số quốc gia như Italia, Anh và Hà Lan, các đảng cực hữu với chủ đề tranh cử xoay quanh việc chống nhập cư và hoài nghi đồng Euro đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, như trường hợp đảng Xanh ở Pháp. Nhưng các cử tri tỏ ra không mấy quan tâm tới cuộc bầu cử khi chỉ có 43% người châu Âu đi bỏ phiếu. Đây là một tỷ lệ thấp kỷ lục.
Nhà lập pháp Liên hiệp châu Âu Francis Wurtz của Pháp nói rằng tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu cho thấy việc thiếu tự tin tưởng vào Liên hiệp châu Âu.
Các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người châu Âu có ít niềm tin vào Liên hiệp châu Âu và tin rằng các thành viên nghị viện đã được trả lương quá cao và xa rời với những vấn đề thường ngày.