Công nghiệp Hàng không trông đợi sẽ có lời trong trường kỳ

Công nghiệp hàng không toàn cầu và đặc biệt là các hãng hàng không Á châu, sẽ chứng kiến cảnh các thất thu trong công nghiệp gia tăng mạnh trong năm nay vì cuộc suy thoái toàn cầu, theo như báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chuyên chở Hàng không Quốc tế. Nhưng mặc dầu triển vọng trước mắt có u tối, các chuyên gia phân tích công nghiệp này tỏ ý lạc quan về tương lai, nhất là đối với sự tăng trưởng trong các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thẩm định tài chính u ám cho công nghiệp du hành hàng không toàn cầu đã được trình bầy trong cuộc họp chung thường niên của Hiệp hội Chuyên chở Hàng không Quốc tế, tại Malaysia.

Trong bản báo cáo mới nhất này, Hiệp hội dự báo số thất thu của công nghiệp hàng không sẽ lên tới 9 tỷ đôla, gấp đôi các con số dự báo trước đây, với khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm 1 phần ba số thất thu.

Các hãng hàng không Âu châu được dự báo sẽ thất thu gần 2 tỷ đôla, với các hãng hàng không Bắc Mỹ dự kiến sẽ lỗ 1 tỷ đôla – thấp hơn nhiều so với con số hơn 5 tỷ đôla thất thu trong năm 2008.

Sự sút giảm thu nhập trong tương lai được đưa ra vào lúc Hiệp hội Chuyên chở Hàng không Quốc tế duyệt lại số thất thu trong công nghiệp toàn cầu của năm 2008 lên tới hơn 10 tỷ đôla.

Tổng giám đốc Hiệp hội, ông Giovanni Bisignani tỏ ý bi quan và nói rằng công nghiệp hàng không đang ở trong 'tình trạng sống sót', và kêu gọi các chính phủ và công nghiệp thực hiện những thay đổi quan trọng.

Ông Bisignani kêu gọi công nghiệp 'tái cấu trúc' vào lúc các công ty cắt giảm các ngân sách dành cho nhân viên công ty đi du hành, và người tiêu thụ không muốn chi tiền trước tình trạng suy thoái toàn cầu.

Ông John Koldowski, một quản trị viên về thông tin liên lạc của Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương, nói rằng mặc dù đã có một vài dấu hiệu tiến bộ, quý đầu năm 2009 'đặc biệt gay go' cho công nghiệp du hành.

Ông Koldowski nói rằng triển vọng ngắn hạn có phần chắc sẽ gay go cho công nghiệp du hành trong vùng.

Ông Koldowski nói: “Tôi nghĩ rằng trên thực tế sẽ còn lâu, rất lâu thì chúng ta mới trở lại được tình trạng tỷ lệ tăng trưởng mà chúng ta đã có được trong nửa thập niên vừa qua. Sự tăng trưởng sẽ rất gay go và chậm chạp từng bước có lẽ trong hai đến 3 quý nữa.”

Hiệp hội Chuyên chở Hàng không Quốc tế nói rằng các hãng hàng không của châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ thất thu hơn 3 tỷ đôla, với đà suy thoái trong các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc theo sau sự sút giảm trong mức cầu do xuất khẩu thúc đẩy. Các hãng hàng không trong khu vực này đã lỗ hơn 4 tỷ đôla trong năm 2008.

Ông Peter Harbison, chủ tịch Trung tâm Hàng không châu Á Thái Bình Dương có trụ sở ở Sydney, nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây ra sự sút giảm 30% trong số khách đi lại hạng nhất và hạng thương gia, tác động mạnh đến doanh thu của các hãng hàng không.

Ông Harbison nói: “Nếu ta tính về mặt sút giảm 25% doanh số thu được qua khách mua vé giá cao, thì taa sẽ thấy tính về mặt thu nhập trong hoạt động hàng không, con số đó chiếm tới 30% số tổng thu nhập.”

Nhưng ông Harbison cho rằng có phần chắc là sẽ không có chuyện kết hợp nào đáng kể trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, vào lúc khu vực này cố gắng gánh vác trách nhiệm cùng với sự hỗ trợ của chính phủ.

Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế nói rằng các hãng hàng không ở cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đã báo cáo những thất thu lớn về tài chính, vì tình trạng suy thoái toàn cầu và sự co cụm của các thị trường xuất khẩu toàn cầu.