Vào ngày mùng 6 tháng 6 năm 1944, trên 150 ngàn quân đồng minh đã đổ bộ lên bãi biển Normandy miền Bắc nước Pháp trong chiến dịch giải phóng châu Âu khỏi tay quân Đức Quốc Xã của Hitler. Nay 65 năm đã trôi qua, nhưng, như Thông tín viên Sonja Pace của đài chúng tôi tường trình từ thị trấn Nhà thờ Sainte Mère tại Normandy, những hồi ức về ngày đó vẫn còn vương vấn nơi vùng biển gió cát cùng những ngôi làng yên bình tại đây.
Những dải cát rộng tạo nên phần lớn vùng duyên hải phía bắc nước Pháp. Đúng là một nơi thích hợp để vừa tản bộ vừa suy tư.
Nhưng vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, không khí nơi đây không bình lặng chút nào. Từ những tàu đổ bộ, các binh sĩ Mỹ, Anh và Canada cùng quân biệt động Pháp dồn dập đổ vào các bãi biển.
Đó là 'Cuộc Hành quân Overlord', với tên thông dụng là D-Day, tạm dịch là Ngày Trọng Đại.
Ngày nay, sau 65 năm trôi qua, tại những ngôi làng nơi đây cũng như làng Nhà thờ Thánh Mẫu, mọi người đều tưởng nhớ ngày này.
Đối với bà Cécile Gancel, việc quân đồng minh đổ bộ đã thắp lên niềm hy vọng tự do thoát khỏi cuộc chiếm đóng của quân Đức Quốc xã .
Bà Gancel nói: “Tôi nhớ có một người lính đi vào nhà tôi, đập gót giầy và dơ tay với tiếng chào thường lệ của quân Đức 'Heil Hitler.' Mẹ tôi vốn là một phụ nữ rất cương nghị lên tiếng 'Không, làm gì có Hitler ở đây. Hitler sắp đi rồi.'
Có những mối lo sợ là quân Đồng Minh sẽ chẳng bao giờ đến. Nhưng họ đã đến. Trước tiên, binh sĩ Mỹ đã nhảy dù ngay phía sau các vị trí của quân Đức Quốc xã, và một nhóm khác nhảy xuống ngay tại lâu đài thuộc gia đình bà Suzanne Duchemin.
Bà Duchemin thuật lại: “Tất cả chúng tôi đều đi ra vườn, và trên những rặng cây là những cánh dù rải rác đáp xuống. Có khoảng 15 binh sĩ Mỹ tại đó, tất cả đều tỏ vẻ thoải mái khi họ bước về phía chúng tôi.”
Bà Duchemin đang ở độ tuổi ngoài 20, lúc bà gặp những binh sĩ trong vườn, sau nhà bà.
Ông Léon Gautier lúc đó là một biệt động quân Pháp trẻ tuổi. Ông tham gia vào Ngày Trọng Đại và nhớ rằng đã nhận được những chỉ thị rất rõ rệt.
Ông Gautier kể lại: “Chúng tôi đã nhận được lệnh không dừng bước cho dù có một bạn đồng đội bị thương, tuyệt đối không. Việc của chúng tôi là chiếm lĩnh vị trí phía trên, cao nhất bãi biển. Chúng tôi cùng chạy trong lúc mình mẩy ướt đầm, nhưng chúng tôi còn không biết là đang ướt đẫm nữa.”
Chiến dịch của quân Đồng Minh xảy ra trên các bãi biển dọc theo bờ biển Normandie. Trên 150 ngàn binh sĩ, Mỹ, Canada, Anh và Pháp đã đổ bộ tại đây. Một cánh quân Mỹ khác gồm 20 ngàn binh sĩ Mỹ nhảy dù xuống phía sau phòng tuyến của địch.
Bà Stephane Simmonet một chuyên gia về quân sử, tại Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Chiến tranh ngay gần tỉnh Caen.
Bà Simmonet nói: “Đó chính là khởi điểm của cuộc giải phóng châu Âu. Mục tiêu của quân Đồng Minh là Berlin chứ không phải Normandy hay Caen.”
Trong những tháng tiếp theo Ngày Trọng Đại, quân đồng minh đã giải phóng Paris, tiến quân qua sông Rhin vào lãnh thổ Đức rồi tiếp tục tiến tới. Phải qua một năm nữa cuộc chiến ở châu Âu mới hoàn toàn chấm dứt.
Đã có những hy sinh lớn lao. Tại nghĩa trang Mỹ thuộc làng Colleville-sur-Mer, 9 ngàn binh sĩ Mỹ đang an giấc ngàn thu, họ đã bỏ mình hoặc trên các bãi biển Normandie, hoặc trong lúc đang chiến đấu tại những vùng hậu tuyến trong những tuần lễ tiếp theo Ngày Trọng Đại.
Tại một nghĩa trang khác cũng thuộc cuộc chiến này trong làng La Cambe, gần 20 ngàn binh sĩ Đức cũng đã yên nghỉ.
Tổng cộng hơn 425 ngàn binh sĩ vừa Đồng minh vừa Đức đã bị thương vong hoặc mất tích trong trận Normandy.
Hàng ngàn thường dân Pháp cũng đã thiệt mạng, phần đông trong các cuộc giội bom của Đồng Minh.
Ông Henri Jean Renaud đã chứng kiến các sự kiện vừa nói từ khi còn là một cậu bé. Ông vẫn tin rằng những sự hy sinh vừa nói là cần thiết.
Ông Renaud nói: “Đối với chúng tôi cuộc giải phóng này rất phi thường. Thường người ta không thể biện minh cho các cuộc chiến tranh. Nhưng đây là một cuộc chiến tranh chính đáng, phải đánh và phải thắng.”
Ông Renaud nói, sau cùng, sự chiến thắng này đã đưa tới sự hòa giải giữa các dân tộc châu Âu và nền hòa bình mà châu Âu đang được hưởng ngày nay.
Năm nào cũng thế, giới lãnh đạo đồng minh đều đến Normandy để tưởng nhớ cuộc đổ bộ 1944 và cuộc giải phóng châu Âu. Năm nay cũng không ra ngoài thông lệ ấy.