20 năm trôi qua, 'Bà mẹ Thiên An Môn' vẫn đau buồn vì mất con

Hàng trăm người đã bị thiệt mạng khi binh sĩ Trung Quốc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ngày càng có thêm người tham gia tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989, trong số này có một thiếu niên mới 17 tuổi. Đã 20 năm trôi qua và ngày 4 tháng sáu năm nay đánh dấu kỷ niệm lần thứ 20 của vụ thảm sát này, một bà mẹ vẫn còn nhớ rất rõ cái chết của con trai bà và đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc đánh giá lại phán quyết được xác nhận một cách chính thức, cho rằng các cuộc biểu tình mang tính cách là chống phá cách mạng. Thông tín viên Stephanie Ho tường thuật từ Bắc Kinh như sau.

Bà Đinh Tử Lâm, một giáo sư đã nghỉ hưu chưa bao giờ tham gia vào hoạt động chính trị. Bà chỉ trở thành một nhà hoạt động tích cực, sau khi một viên đạn lạc kết thúc mạng sống của Giang Kiệt Lân, con trai bà, mới 17 tuổi, tại Mộc Tê Địa, nơi gần Quảng trường Thiên An Môn, vào những giờ đầu của cuộc đàn áp ngày 4 tháng sáu, năm 1989.

Bà Đinh Tử Lâm nói: “Tất cả cảnh tượng đó dường như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Đối với tôi chấn thương tinh thần này không bao giờ phai nhạt cho dù thời gian trôi qua. Mỗi một năm qua, khi tuổi đời chồng chất, nỗi thương tiếc và đau đớn lại càng thấm thía hơn.”

Con trai của bà Đinh Tử Lâm bị trúng đạn khi cậu cùng một người bạn học núp sau một rặng hoa, gần tòa nhà số 29, gần khu vực ở thủ đô Bắc Kinh được biết đến như Muxidi.

Cái chết của cậu thiếu niên này chỉ là một trong hàng trăm, và có thể là hàng ngàn người bị thiệt mạng khi binh sĩ Trung Quốc tiến vào quảng trường đập tan các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu đã lan rộng trên Quảng trường Thiên An Môn.

Bà Đinh tử Lâm nhớ lại cảnh những người đã giúp chùi các vết máu trên thi hài của con trai bà trước khi thân nhân của bà để cho bà nhìn xác con bà. Bà nói rằng vết thương do viên đạn gây ra vẫn còn chảy máu dù đã mấy ngày sau đó.

Bà Đinh Tử Lâm tìm thấy một dải băng màu đỏ con trai bà đã mang từ Quảng trường về trong một lần khác trước đó, và bà đã nhờ những người có mặt cột nó quanh trán của con bà.

Bà Đinh nói: “Tôi muốn con tôi mang dải băng đỏ đó, biểu tượng của phong trào dân chủ ái quốc của năm 1989, mặc chiếc áo sơ mi trắng, và bộ đồng phục học sinh mà con tôi thích nhất. Khi đi đến Mộc Tê Địa vào buổi tối đó, con tôi mang một đôi dép, nhưng tôi cho con tôi mang đôi giày thể thao vẫn thường mang.”

Xác con bà Đinh được hỏa thiêu vào ngày 7 tháng 6. Bà đã giữ tro đó ở nhà, cùng với một mảnh vỡ của bức tường Berlin, đã bị kéo đổ cũng vào năm đó. Bà nói rằng con trai bà và những thanh niên Đức chia sẻ cùng một số viễn kiến.

Bà Đinh nói: “Đây là các giá trị có tính đại đồng. Cả hai bên cùng theo đuổi con đường tự do và dân chủ.”

Bà Đinh là một trong những thành viên được biết đến nhiều nhất trong nhóm có tên là Các Bà mẹ Thiên An Môn, qui tụ các phụ huynh có con bị thiệt mạng trong cuộc đàn áp tại Quảng trường này năm 1989. Năm nay nhóm này đã phổ biến một bức thư ngỏ, một việc làm hầu như đã trở thành một truyền thống hàng năm, với nội dung yêu cầu mở một cuộc điều tra chính thức, bồi thương cho gia đình các nạn nhân và trừng phạt những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ này.

Bà Đinh nói: “Đây là một việc không phải dễ dàng đối với tất cả các bà mẹ này. 20 năm trước đây, chúng tôi không biết nhau. Khi chúng tôi có bất đồng, chúng tôi lại nghĩ đến những đứa con đã bị thiệt mạng, và chúng tôi có thể nhanh chóng vượt qua những bất đồng đó.”

Bà Đinh tử Lâm nói rằng nhóm Các Bà mẹ Thiên An Môn chia sẻ một nguyên tắc cơ bản đó là chống việc sử dụng bạo động.

Bà Đinh dồn tất cả thời gian để trân quí những kỷ niệm của con trai của bà và nói rằng đây là thời điểm đặc biệt đau buồn trong năm. Con trai của bà, Giang Kiệt Lân, sinh ngày 2 tháng 6 năm 1972. Bà Đinh nói rằng vào ngày hôm đó, bà mua một chiếc bánh mừng sinh nhật cho con, và rồi tiếp theo ngay sau đó là ngày đau buồn đánh dấu ngày giỗ của con trai vắn số của bà.