Phản ứng của Israel, Palestine về bài diễn văn của TT Obama

Giới chức Palestine hoan nghênh bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, gửi đến thế giới Hồi giáo, như một bước khởi đầu tốt đẹp trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông. Israel nói rằng họ hy vọng bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ giúp dẫn đến một thời kỳ hòa giải mới trong vùng. Từ Jerusalem Thông tín viên đài VOA Luis Ramirez gửi về bài tường thuật sau đây.

Nhiều người Israel đã không trông đợi gì nơi bài diễn văn. Trước đó Tổng thống Obama đã nhấn mạnh thêm lời yêu cầu Israel ngưng chỉ hoàn toàn việc xây dựng các khu lập cư của người Do Thái trong vùng bờ Tây và chấp nhận việc thành lập quốc gia Palestine - những yêu cầu mà giới lãnh đạo Israel từ chối thực hiện.

Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đọc xong bài diễn văn, nội dung của nó đã đáp ứng sự trông đợi của mọi phía.

Tổng thống Obama đã làm cho nhiều người Israel hài lòng khi yêu cầu người Palestine từ bỏ bạo động, và nói rằng nhóm Hồi giáo tranh đấu bạo động Hamas phải thừa nhận quyền tồn tại của quốc gia Israel, và kêu gọi ngăn chận một cuộc đối đầu hạt nhân với Iran.

Về phần Palestine thì nhiều người đã hài lòng khi nghe nhà lãnh đạo Mỹ lập lại lời yêu cầu ông đã đưa ra trước đây, đó là ngưng chỉ việc xây dựng các khu lập cư Do thái trong nhưng vùng lãnh thổ của người Palestine, và Israel phải nhận thức rằng cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột - theo ý kiến của ông - là thực hiện giải pháp 2 quốc gia.

Một người phát ngôn của Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine nhận định rằng bài diễn văn là bước khởi đầu tốt đẹp để tiến đến một chính sách mới thừa nhận sự thống khổ mà dân Palestine phải chịu đựng.

Nhà phân tích chính trị Mahdi Abdel Hadi, Giám đốc Hội học giả Palestin Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế, có trụ sở ở Đông Jerusalem nói rằng bài diễn văn không có ý kiến nào mới, nhưng đóng góp rất lớn trong việc làm cho mọi người cảm thấy phấn chấn, về chính sách Trung Đông của tân chính quyền Hoa Kỳ.

Ông Hadi nói: “Đây là một bài diễn văn gây xúc động. Yếu tố mới là sự thay đổi khuôn thức, công cụ và khung cảnh của trò chơi chính trị. Đó là tình hình tại đây, ở Trung Đông. Không phải là ở Hoa Kỳ. Không phải là ở Pháp. Không phải ở Anh. Đó là tôi, có mặt ở đây, gõ cửa nhà quí vị và nói với quí vị 'hãy tin tôi, chấp nhận tôi và tôi có thể mang lại sự thay đổi.'

Trước đó một số người Israel lo ngại rằng Tổng thống Obama có thể sẽ gia tăng chỉ trích nhà nước Israel và có thể công bố các chính sách mới kém thuận lợi hơn cho Israel, một quốc gia hàng năm nhận hàng tỉ đôla viện trợ của Hoa Kỳ.

Tổng thống Obama nói rằng quan hệ giữa Israel và Hoa Kỳ là mối quan hệ không thể nào lay chuyển. Một số nhà phân tích nhận định rằng, có lý do để Israel không dự kiến là sẽ có bất cứ thay đổi lớn lao nào về phía quốc gia đồng minh và cũng là quốc hậu thuẫn cho họ từ lâu nay.
Chính phủ Israel đưa ra một tuyên bố nói rằng họ hy vọng bài diễn văn của Tổng thống Obama sẽ giúp dẫn đến một thời kỳ hòa giải mới trong vùng Trung Đông.

Giáo sư môn Khoa học Chính trị Abraham Diskin thuộc Đại học Do Thái ở Jerusalem nói rằng ông không cảm thấy lạc quan là chiến lược tạo cho Hoa Kỳ một hình ảnh nhu hòa đối với thế giới Hồi giáo sẽ mang lại hòa bình.

Ông Dickin nhận định: “Tôi e ngại rằng kết quả của bài diễn văn, thật không may, sẽ mang lại bạo động nhiều hơn. Đã quá nhiều lần, có những người như ông Obama đưa ra viễn kiến như vậy, và điều đó được hiểu như là sự mềm yếu."

Mặc dù bài diễn văn không mang lại ngạc nhiên nào về phương diện chính sách của Hoa Kỳ đối với cuộc xung đột Israel và người Palestine, song quả thực nó đã chuyển đi một tín hiệu mà nhiều người trong khu vực xem như một thái độ hành sử mới của Hoa Kỳ.