Những bao ni lông đựng đồ đi chợ thường chiếm phần lớn lượng rác rưởi thành phố, nhưng rất thường khi chúng lại tìm đường bay tới những dòng sông, gây ô nhiễm nguồn nước, làm ém khí những vùng đất ẩm và giết hại các loài động vật dưới nước. Hàng triệu ki lô bao ni lông trôi ra tới tận đại dương. Nhằm giải quyết tận gốc vấn đề, một số thành phố, bang và thậm chí các quốc gia đã ấn định giá phí cho những loại túi ni lông dùng qua một lần rồi bỏ, từ Trung Quốc tới Ireland, từ Seattle tới Toronto. Vào tuần lễ khởi sự từ hôm nay mùng 2 tháng 6, các nhà làm luật tại Washington DC sẽ cứu xét việc liệu có trở thành cộng đồng cuối cùng tính tiền cả túi ni lông lẫn túi giấy. Theo tường trình của Kavitha Cardoza, thì lệ phí 5 xu một cái túi sẽ giúp cho việc dọn dẹp những bao ni lông cùng những loại rác gây ô nhiễm khác đang tràn ngập con sông Anacostia chảy qua thủ đô Mỹ.
Các trẻ em trường mẫu giáo Evergreen tại Wheaton trong tiểu bang Maryland đang dựa vào rào chắn để nhòm xuống những cái túi, ly nhựa, bao gói cùng những loại rác khác trôi lềnh bềnh trên sông Anacostia. Các em được thầy cô đưa tới D.C. để biết thêm 'cái gì đã giết chết những con cá'.
Các em bé 5 tuổi không thích thú gì trước những thứ chúng nhìn thấy.
Vừa chê nước dơ quá, các em vừa xăn tay áo và kéo rác lên bờ. Nhưng những bàn tay nhỏ bé đó không thể nào dọn sạch các khối rác.
Ông Jim Connerly thuộc Hội Nguồn Nước Anacostia, cho biết những công trình nghiên cứu môi trường của Washington D.C. ước tính mỗi năm có 20,000 tấn rác được ném xuống sông Anacostia.
Ông Connerly so sánh sông Anacostia như một cái hố chứa thuộc một vành đai chuyển vật dụng phế thải.
Cũng theo các kết quả nghiên cứu, những túi ni lông chiếm khoảng 20% số rác rớt xuống sông.
Khi những bao chứa đồ đi chợ bị ném đi, nhiều cái bị nước mưa cuốn trôi đi và cuốn theo những dòng nước. Sau cùng, chúng tụ lại trên sông Anacostia. Những cái túi rất nhiều khi trở thành bẫy đối với chim và rùa. Cá thì ăn phải những mảnh nhỏ. Điều này biến thành những độc chất trong cá và như thế là các độc chất tìm được đường vào giây chuyền thực phẩm.
Ông Tommy Wells, một thành viên hội đồng thành phố của thủ đô, đã nẩy ra ý kiến định giá 5 xu cho mỗi cái túi ni lông hoặc túi giấy.
Ông Wells cho biết: “Mục tiêu của 5 xu này không đánh vào cái bao ni lông, mà vào suy nghĩ của bạn. Nó nhắc nhở bạn là có lẽ bạn nên mua một cái túi có thể dùng đi dùng lại.”
Và một phần tiền thu được sẽ giúp những người dân có thu nhập thấp mua loại túi có thể dùng lại.
Cũng có những người không đồng ý với đề nghị vừa nêu. Bà Laurie Walker nói đối với một công dân lớn tuổi có thu nhập nhất định như bà, số 5 xu nhiều lần tích lũy lại cũng không phải là nhỏ.
Bà Walker nói nếu bà bỏ 5 xu vào 1 cái hũ để dành mỗi lần được trả lương, ít lâu sau bà có thể mua một con gà hoặc quà bánh cho các cháu nội cháu ngoại của mình.
Mặt khác, việc bán bao này sẽ thu được gần 2 triệu rưỡi đô la mỗi năm. Bên cạnh việc cung cấp những bao có thể dùng lại, tiền thu được sẽ tài trợ cho các cố gắng liên quan đến giáo dục, và trả một phần cho các doanh nghiệp như một sự khích lệ đối với họ.
Ngành công nghiệp chế tạo bao ni lông hy vọng những người chống lại ý kiến bắt mua hoặc đánh thuế túi ni lông sẽ đứng ra phản đối. Nhưng những nhà bảo vệ môi trường rất thích ý tưởng này.
Trở lại với hệ thống con sông Anacostia, ông Jim Connerly nói, chỉ thêm một chút cố gắng là con sông Anacostia có thể sạch rác trong vài năm nữa.
Ông Conerly nói tiếp: “Trong một thế giới toàn bích, chất lượng nước cần phải được coi trọng. Tôi thấy điều đáng khích lệ là thiên nhiên luôn luôn tìm cách tự cân bằng. Nếu chúng ta để yên con sông, nếu chúng ta không bỏ những thứ ô nhiễm xuống sông nữa, nó sẽ tự làm sạch. Nó ra nông nỗi này chỉ vì chúng ta đã không để yên cho nó tự giải quyết.”
Hiện nay, ông Connerly và nhiều người khác rất mong mỏi việc bán túi đựng đồ của Washington D.C. sẽ khiến cho điều ông Connerly đang hy vọng sớm trở thành hiện thực.
Bản phúc trình về Hỗ trợ Môi trường này do tổ chức Quỹ Joyce và Sở Khuếch trương Hợp tác của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ phổ biến. Quý vị có thể nghe bản phúc trình và đăng ký nhận tin hàng ngày ở địa chỉ trên mạng www.environmentreport.org