Các sắc dân thiểu số ở Việt Nam có tỉ lệ người nghèo cao hơn 5 lần tỉ lệ của người Kinh và các định kiến văn hóa là một trong những nguyên do.
Theo tin của hãng thông tấn Pháp, Ngân hàng Thế giới đã cho biết như thế trong bản phúc trình công bố hôm thứ ba.
Cuộc nghiên cứu, được thực hiện năm 2006, có mục đích giải thích vì sao gần 10 triệu người thiểu số vẫn tiếp tục ở trong tình trạng thua thiệt so với người Kinh; mặc dù chính phủ Việt Nam đã chi tiêu rất nhiều cho những vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều nhóm người thiểu số sinh sống, và đã thành công trong nỗ lực giảm nghèo ở những khu vực khác.
Dựa trên các cuộc nghiên cứu thực địa và thăm dò những người thuộc 54 sắc dân thiểu số ở Việt Nam, trong đó có người Mường và người Tày, báo cáo này tìm thấy 6 yếu tố chính, bao gồm các định kiến và rào cản văn hóa.
Báo cáo này cho rằng một trở ngại đối với việc gia tăng tiếng nói và quyền tự quyết của người thiểu số là 'những định kiến văn hóa phổ biến', như ý tưởng cho rằng người thiểu số không thông minh bằng những người khác.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói rằng định kiến này có thể có những hậu quả tiêu cực, đặc biệt là đối với lòng tự tin của người thiểu số trong việc sử dụng tiếng nói và sức mạnh của mình.
Báo cáo cho biết trong năm 2006, tỉ lệ người nghèo trong khối người Kinh và người gốc Hoa chỉ có 10% trong khi tỉ lệ này của người thiểu số là 52%.