Các thành viên của một phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ bày tỏ một số quan điểm khác biệt sâu rộng về triển vọng của sự hợp tác Hoa Kỳ-Trung Quốc trong việc chống lại tình trạng thay đổi khí hậu, một vấn đề mà cả hai bên đều đồng ý là rất cấp bách. Trong khi đó mặc dù vấn đề khí hậu thay đổi đứng đầu trong chương trình làm việc nhưng chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi tuyên bố là bà cũng sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp tuần này với các cấp lãnh đạo cao cấp Trung Quốc. Thông Tín Viên Stephanie Ho tường trình từ Bắc Kinh.
Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi tuyên bố với các nhà báo tại Bắc Kinh là cuộc gặp của bà với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tuần này sẽ chủ yếu chú trọng đến một vấn đề khẩn cấp là vấn đề khí hậu thay đổi.
Bà Pelosi nói: “Khí hậu thay đổi có một tác động kết sức to lớn tại Hoa Kỳ, tại Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới. Chúng ta không có nhiều thì giờ cũng như không được phép phạm những lầm lẫn. Chúng ta phải đi đến một thỏa thuận. Chúng ta phải hành động.”
Chủ tịch Hạ viện Pelosi là nhân vật cao cấp thứ Ba trong chính phủ Hoa Kỳ. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc bà đã gặp trong tuần này gồm cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Dân biểu thuộc đảng Dân chủ Ed Markey tuyên bố ông lạc quan là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có thể làm việc với nhau trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thay đổi được tổ chức vào cuối năm nay tại Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch.
Ông Markey nói: “Chúng tôi rời đây với sự khích lệ là những tiến bộ có thể đạt được để tiến tới hội nghị Copenhagen. Và chúng tôi cũng hy vọng là trong những tháng sắp tới, chúng tôi có thể hợp tác với nhau để mang thế giới đến một điểm chung vào tháng 12 tới đây, khi chúng ta có thể đạt đến một thỏa ước giúp đảo ngược những hậu quả tàn hại của tình trạng khí hậu thay đổi.”
Quan điểm lạc quan này không được toàn thể phái đoàn tán đồng. Dân biểu Jim Sensenbrenner của đảng Cộng hòa cho biết là ông rất thất vọng.
Ông Sensenbrenner nói: “Đây là chuyện thường tình đối với Trung Quốc. Thông điệp mà tôi nhận được là Trung Quốc sẽ làm theo ý họ không kể đến những gì mà thế giới thương thảo tại Copenhagen.”
Dù vậy cũng có một lãnh vực mà cả hai đảng đồng ý, đó là nhân quyền, một vấn đề mà bà Pelosi được tiếng là một Phát ngôn viên rất tích cực.
Bà đã tự bênh vực mình đối với câu hỏi là liệu vấn đề nhân quyền có bị coi nhẹ trong chuyến đi này hay không .
Bà Pelosi nói: “18 năm trước đây, tôi đứng tại quảng trường Thiên An Môn với một băng rôn. Đó là cơ hội mà tôi bày tỏ mối quan tâm của tôi với tư cách là một dân biểu về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc và Tây Tạng. Bây giờ tôi là chủ tịch Quốc hội Hoa Kỳ và tôi có cơ hội nói chuyện trực tiếp với chủ tịch nước Trung Quốc để nêu vấn đề đại diện cho toàn thể Quốc hội Hoa Kỳ.”
Bà cho biết thêm thêm là những vấn đề cũng đã được đặt ra như vấn đề về Bắc Triều Tiên, quyền sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia. Bà cho hay trong mọi trường hợp, cuộc thảo luận rất thẳng thắn và cả hai bên đều thảo luận trong tinh thần hữu nghị. Bà Pelosi sẽ rời Bắc Kinh vào thứ sáu để đi Hong Kong.