Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên gia tăng mức báo động phòng thủ

Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ vừa gia tăng mức báo động phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố họ sẵn sàng hủy bỏ cuộc hưu chiến 56 năm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Kurt Achin từ Hán thành, các phân tích gia nghĩ rằng mối căng thẳng sẽ gia tăng trong những ngày sắp tới.

Hôm thứ Năm, Nam Triều Tiên và Mỹ đã tăng mức báo động lên cấp cao hàng thứ 2 trong hệ thống 5 cấp. Ông Won Tae-jae, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên đã đưa ra lời tuyên bố về việc này.

Ông Won nói quân đội 2 nước đang gia tăng số chuyên gia thu thập và phân tích tình báo, trong đó có hoạt động theo dõi từ trên không và trinh sát. Ông cho biết Nam Triều Tiên và Mỹ sẽ hợp tác để theo dõi những sự di chuyển quân sự của Bắc Triều Tiên.

Tuần lễ này đã đánh dấu một sự leo thang khẩn trương từng ngày về các mối căng thẳng trên bán đảo bị chia cắt này. Hôm thứ Hai, Bắc Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhì, có vẻ mạnh hơn nhiều so với cuộc thử nghiệm năm 2006.

Hôm thứ Ba, Nam Triều Tiên xác nhận tham dự toàn bộ vào một chiến dịch do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhằm ngăn cản việc chuyên chở vũ khí hạt nhân cùng những loại vũ khí khác. Bình Nhưỡng ngay hôm sau đã phản ứng với việc mô tả quyết định của Nam Triều Tiên là một 'sự tuyên chiến', và cảnh báo rằng họ sẽ không tôn trọng Thỏa Ước Hưu chiến về chiến tranh Triều Tiên năm 1953, nếu Mỹ và Nam Triều Tiên tới gần bất kỳ chiếc tầu nào của họ.

Hôm thứ Năm Bộ Chỉ Huy Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu đưa ra lời tuyên bố rằng, thỏa ước hưu chiến 'đã là nền tảng hợp pháp của cho cuộc ngừng bắn tại Triều Tiên từ trên 55 năm', và nó 'vẫn còn hiệu lực và ràng buộc tất cả các nước đã ký kết, kể cả Bắc Triều Tiên'.

Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên được theo dõi chặt chẽ, vì đây là nơi hôm thứ Ba, Bắc Triều Tiên cảnh báo họ không bảo đảm sự an toàn của tàu bè Mỹ và Nam Triều Tiên. Bình Nhưỡng chưa bao giờ chấp nhận ranh giới trên biển mà Liên Hiệp Quốc đã phân định trong vùng này, và trong thập niên vừa qua 2 miền Triều Tiên đã từng đụng độ với nhau trong 2 trận thủy chiến ác liệt.

Nam Triều Tiên cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Trung quốc, Nga và Nhật nhằm phác thảo một quyết nghị mới của Hội đồng Bảo An, bao gồm cả những biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên.

Ông Tanaka Hitoshi, một cựu viên chức trong chính phủ Nhật và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật bản, nói rằng mức độ căng thẳng sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Tanaka nói: “Bắc Triều Tiên đang đeo đuổi một chính sách có thể gọi là leo thang và chúng ta buộc phải có phản ứng…Rồi sau đó, Bắc Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ có phản ứng, và vì vậy mà một cuộc khủng hoảng sẽ không thể nào tránh khỏi.”

Tại Tokyo hôm thứ Năm, Thủ tướng Nhật Taro Aso nói với các nhà làm luật rằng chính phủ ông đang đề nghị Hoa Kỳ ghi lại Bắc Triều Tiên vào danh sách của Bộ Ngoại giao về các nước hỗ trợ khủng bố.

Washington đã loại Bắc Triều Tiên khỏi danh sách đó, như là một phần của những hoạt động ngoại giao đa quốc nhằm khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hồi đầu tháng này Bắc Triều Tiên đã rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ.