Bắc Triều Tiên tuyên bố ngay cả những cố gắng nhỏ nhoi của Nam Triều Tiên hay Hoa Kỳ định can thiệp vào tàu bè của họ cũng sẽ châm ngòi cho điều mà họ gọi là 'sự trở lại tình trạng chiến tranh'. Bình Nhưỡng thề quyết sẽ không bị ràng buộc bởi các điều khoản của một lệnh hưu chiến đã có từ 56 năm nay, nếu như Nam Triều Tiên hay Hoa Kỳ khám xét các tầu bè của họ theo một chương trình cầm phổ biến do Mỹ đứng đầu. Từ Hán Thành, thông tín viên đài VOA Kurt Achin ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Hôm nay, các đại diện của quân đội Bắc Triều Tiên cảnh báo Nam Triều Tiên rằng quyết định tham gia một sắp xếp an ninh do Hoa Kỳ dẫn đầu được coi như một 'hành động tuyên chiến'.
Phát thanh viên này nói rằng bất kỳ mưu toan nào muốn can thiệp vào tầu bè có hoạt động hòa bình của Bắc Triều Tiên sẽ châm ngòi cho các biện pháp mạnh của quân đội để đáp lại.
Hôm qua, Hán Thành loan báo sẽ tham gia toàn diện Chương trình Phổ biến An ninh, còn gọi tắt là PSI, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm một vũ khí hạt nhân thứ nhì. Hơn 90 quốc gia đã tham gia tổ hợp tự nguyện này, phối hợp tình báo quốc tế và hoạt động hàng hải, nhằm ngăn chặn việc chuyên chở các loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.
Trên nguyên tắc, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Lệnh hưu chiến năm 1953 đình chỉ cuộc giao tranh 3 năm sau khi miền Bắc xâm lăng miền Nam, nhưng đã không có một hòa ước nào được ký kết. Hôm nay, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng họ sẵn sàng làm lơ lệnh hưu chiến này, trong bầu không khí hiện hữu.
Phát thanh viên Bắc Triều Tiên nói rằng các hành động của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nhằm thực thi PSI sẽ đề ra một thách thức nghiêm trọng cho lệnh hưu chiến, mà Bắc Triều Tiên cũng sẽ không để bị ràng buộc.
Tuyên bố hôm nay nói rằng Bắc Triều Tiên không thể bảo đảm sự an toàn của tầu bè trong vùng biển phía tây bán đảo, nơi Bắc Triều Tiên chưa hề chấp nhận lằn ranh hải phận do Liên hiệp quốc vạch ra.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc trường Cao học Nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của trường Đại học Kyungam ở Hán Thành, nói rằng tuyên bố này gia tăng mối nguy hiểm của những biện pháp “cụ thể” mà miền bắc có thể tiến hành.
Giáo sư Yang cho rằng một cuộc nổ súng qua lại có thể xảy ra “bất cứ lúc nào” trong vùng Biển Tây ở bán đảo Triều Tiên, nếu như Nam Triều Tiên bố trí tầu bè ở đó.
Bắc Triều Tiên thua xa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên về mặt kỹ thuật quân sự và hậu cần. Ông Baek Seung-joo, thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên ở Hán Thành, nói rằng có phần chắc là Bắc Triều Tiên sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng vũ lực. Ông cũng tin rằng Bắc Triều Tiên đang có phản ứng quá mức về vấn đề PSI.
Ông Baek nói rằng không có điểm nào trong hiến chương PSI đề cập cụ thể đến Bắc Triều Tiên – ông nói rằng chương trình này chỉ là một thỏa thuận tổng quát nhằm ngăn chặn việc chuyển vũ khí. Ông Baek nói rằng PSI không vi phạm bất kỳ hiệp ước hay thỏa thuận quốc tế nào, bởi vì PSI không nêu đích danh một quốc gia nào.
Các hành động mới đây của Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ được xếp cao trong lịch trình thảo luận vào tháng tới, khi tổng thống Lee Myung-bak gặp tổng thống Obama ở Washington.
Hôm nay, Tổng thống Lee ca ngợi sự 'chín chắn' của công chúng Nam Triều Tiên, và nêu nhận xét rằng các lời đe dọa của Bắc Triều Tiên gần như không có ảnh hưởng gì đối với các thị trường tài chính.